Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đậu phụng hiệu quả
Dự án xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất đậu phụng của vùng sản xuất đậu phụng thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm cải thiện sinh kế cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai tại Bình Định từ tháng 10.2019. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP - GEF/SGP) tài trợ 2 năm, cho 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Trị; tổng đầu tư hơn 5,2 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình (thứ ba từ trái sang), đại diện tổ chức đề xuất dự án kiểm tra mô hình sản xuất đậu phụng gắn bao tiêu và chế biến tại thôn Thuận Hạnh.
Mục tiêu của dự án là xây dựng chuỗi liên kết giữa các tỉnh có cùng sản phẩm thế mạnh là đậu phụng, từ đó chia sẻ kinh nghiệm canh tác, phát triển hệ thống thu mua, chế biến và nâng cao năng lực về phát triển chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Đồng thời, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho các vùng trồng đậu phụng thâm canh. Kết quả của dự án là cơ sở để nhân rộng ra các vùng có điều kiện tương tự.
Tại Bình Định, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh - đơn vị đề xuất dự án - đã phối hợp UBND huyện Tây Sơn tổ chức thực hiện mô hình liên kết sản xuất đậu phụng gắn với bao tiêu và chế biến dầu đậu phụng tại thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn. Cùng với 25 hộ dân, còn có nhiều cơ sở bao tiêu sản phẩm tham gia dự án, làm cầu nối trung gian giữa nông dân với cơ sở thu mua, chế biến nông sản.
Trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020, nhờ sử dụng phân bón và chăm sóc hợp lý, năng suất từ đậu phụng ở ruộng mô hình cao hơn đậu phụng trồng trên cùng chân đất trung bình 4 tạ/ha; lợi nhuận đạt gần 56 triệu đồng/ha, cao hơn 10 triệu đồng/ha. Sản lượng dự kiến từ mô hình đạt bình quân 23 tấn đậu phụng khô thương phẩm, góp phần phục vụ cho chuỗi liên kết đậu phụng giống và đậu phụng thương phẩm tại địa phương.
Với kết quả bước đầu, người dân địa phương rất phấn khởi, có hướng nhân rộng diện tích trồng đậu phụng. Ông Nguyễn Văn Sỹ, một trong số các hộ tham gia dự án tỏ ra tâm đắc khi dự án mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân địa phương, không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, mà còn giúp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hình thành lối sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường.
Tháng 5 vừa qua, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2 đã cấp chứng nhận VietGAP cho diện tích sản xuất 5 ha của dự án. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, cho biết: “Đây là chứng nhận VietGAP đầu tiên cấp cho sản phẩm đậu phụng tại Bình Định. Chúng tôi sẽ thúc đẩy xây dựng liên kết chuỗi; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa gắn liên kết chuỗi; đồng thời nhân rộng mô hình cho vùng có điều kiện tương tự trong tỉnh”.
“Việc mô hình sản xuất được công nhận theo tiêu chuẩn VietGAP đã làm gia tăng giá trị sản phẩm đậu phụng, dầu đậu phụng, ổn định đầu ra và giảm rủi ro cho nông dân. Từ đó, nâng cao lợi thế cạnh tranh và giá trị giống cây đậu phụng của địa phương”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, chia sẻ.
KHÁNH LINH