“Số hóa” Bảo tàng Quang Trung
Không dừng ở sử dụng công nghệ quét mã tem QR Code bằng điện thoại thông minh truy xuất dễ dàng thông tin hiện vật trưng bày, Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) còn hướng đến mô hình hóa điện tử tư liệu, hiện vật bằng công nghệ tương tác 3D, công nghệ không gian trưng bày ảo... góp phần nâng cao hiệu quả trưng bày.
Khách tham quan sử dụng điện thoại quét mã QR Code để tìm hiểu thông tin về tư liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung.
Mới mẻ, hấp dẫn, gần gũi và tiện ích là đánh giá chung của nhiều người khi tham quan Bảo tàng Quang Trung. Anh Phạm Văn Ngôn - du khách đến từ Hà Nội - bày tỏ: “Tỉnh, thành nào cũng có bảo tàng, song ở Bình Định có riêng một bảo tàng để tôn vinh và lưu giữ các hiện vật về những chiến tích của Vua Quang Trung gắn với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn rất đáng quý. Khác với tưởng tượng ban đầu, tôi hoàn toàn bị cuốn hút trước sự đa dạng của bảo tàng, với nhiều hoạt động tương tác, trải nghiệm độc đáo”.
Ông Đặng Công Lập, Trưởng phòng Bảo tàng (Bảo tàng Quang Trung) cho biết, bảo tàng hiện lưu giữ hơn 11.000 tư liệu, hiện vật, bao gồm các bộ sưu tập tiền, kiếm, cồng chiêng, ấn, sắc phong... Thực hiện tư liệu hóa thông tin bảo tàng để tiến tới xây dựng bảo tàng điện tử, nhiều năm trước, Bảo tàng đã tiến hành sưu tầm, sắp xếp, lưu trữ các tư liệu, hiện vật một cách hệ thống trên máy vi tính. Với một số loại hình như biểu diễn dân ca kịch bài chòi, cồng chiêng, võ cổ truyền Bình Định, chúng tôi tiến hành chụp ảnh, quay hình, ghi âm để lưu trữ bằng file mềm. Việc tin học hóa tư liệu, hiện vật trong bảo tàng đã tạo ra một bản thông tin mô phỏng của bản gốc lưu trữ trong bộ nhớ của máy tính, đồng thời đem lại nhiều thuận lợi trong khâu quản lý và sử dụng hiện vật.
Để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, cuối năm 2019, Bảo tàng Quang Trung gắn mã QR Code cho các tư liệu, hiện vật, khách tham quan dễ dàng tìm hiểu thông tin qua điện thoại thông minh. “Khách tham quan chỉ cần điện thoại quét thẻ là mọi thông tin về tư liệu, hiện vật hiện lên trên màn hình nên rất tiện lợi. Việc tải app cũng khá nhanh và thuận tiện, chỉ chừng 1 phút. Với khách tham quan đi lẻ hoặc có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn thông tin về hiện vật thì công nghệ này rất lý tưởng; còn người làm thuyết minh của bảo tàng, hay hướng dẫn viên như chúng tôi cũng đỡ vất vả vì không phải thuyết minh lẻ cho từng người”, anh Lê Xuân Ánh, một hướng dẫn viên du lịch ở TP Quy Nhơn chia sẻ.
Bảo tàng Quang Trung sắp xếp, trưng bày các tư liệu, hiện vật theo tiến trình lịch sử, khiến người xem có cảm giác như đang trôi theo dòng ký ức. “Bên cạnh trưng bày theo tiến trình lịch sử, chúng tôi còn phân loại và phân chia tư liệu, hiện vật theo từng nhóm chất liệu riêng (ví như đồ kim loại, giấy, vải, gỗ, gốm, sứ); hoặc phân chia theo từng niên đại từ thời Champa, Lý, Trần, Lê, Nguyễn; chia theo khu vực, địa phương (ví như gốm Sa Huỳnh, gốm Gò Sành, gốm Champa...). Qua đó, phát huy được thế mạnh của bảo tàng trong khai thác sự phong phú của nhiều loại hình tư liệu, hiện vật, tạo thêm nhiều hoạt động giúp công chúng khám phá, trải nghiệm”, ông Đặng Công Lập cho biết thêm.
Ngoài ra, bảo tàng còn lắp đặt 6 máy tính đặt trong một gian phòng riêng, kết nối mọi thông tin của bảo tàng và các điểm du lịch trong tỉnh, phục vụ tra cứu thông tin của khách tham quan, qua đó giúp nâng cao hiệu quả tham quan cao nhất.
Tuy vậy, để thích ứng với xu thế phát triển chung, nhất là trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Bảo tàng Quang Trung cần một sự đổi mới toàn diện để ngày càng trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn với công chúng. Theo ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, xu hướng của bảo tàng là tư liệu hóa, số hóa các tài liệu, hiện vật hiện có bằng công nghệ tương tác 3D. Công nghệ này cho phép khách tham quan xem được hiện vật trong không gian 3 chiều, khám phá mọi góc cạnh của hiện vật và được minh họa sinh động bằng âm thanh, hình ảnh, màu sắc, thông tin tư liệu liên quan. Với công nghệ này, khách tham quan không cần đi lại khắp bảo tàng, mà có thể ngồi tại nhà vẫn nhìn ngắm, nghiên cứu về các hiện vật trưng bày bên trong bảo tàng.
HỒNG HÀ