Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng: Diễn biến phức tạp
Thời gian qua, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều diễn biến phức tạp; nhất là tình trạng lén lút phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và chống người thi hành công vụ.
Hiện trường vụ phá rừng xảy ra tại xã An Hưng (huyện An Lão) bị lực lượng chức năng phát hiện vào tháng 8.2017.
Tăng cường bảo vệ rừng
Theo Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, phương án, kế hoạch bảo vệ rừng (BVR); thành lập các chốt, trạm BVR tại các vùng trọng yếu về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Chỉ đạo các địa phương kiện toàn đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện Chỉ thị số 12/TTg ngày 16.5.2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện quyết liệt các biện pháp BVR, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi địa phương. Huy động lực lượng CA, dân quân tự vệ kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép. Kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp cán bộ, đảng viên tham gia phá rừng; lấn, chiếm đất lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng chuyên trách về lâm nghiệp phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân sống gần rừng. Phối hợp với già làng, trưởng bản, người có uy tín trong làng đến từng điểm, hộ gia đình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; vận động ký cam kết BVR. Từ năm 2017 đến nay, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức 995 đợt tuyên truyền dưới hình thức họp dân với hơn 72.100 người, hộ nhận khoán tham dự; tổ chức cho hơn 5.830 người ký cam kết BVR.
Ngoài ra, việc giao khoán cho hộ dân BVR cũng góp phần tích cực, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, nhìn nhận: Việc giao khoán BVR đã hỗ trợ người dân một phần kinh phí để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Qua đó, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, chặt củi đốt than; xây dựng mối liên kết giữa người dân với chủ rừng và các ngành chức năng trong công tác quản lý, BVR.
Còn diễn biến phức tạp
Dù chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan có nhiều nỗ lực, nhưng thời gian qua, tình hình phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật còn xảy ra nhiều; nhất là tại địa bàn miền núi, trung du như huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân. Các vụ vi phạm ngày càng có tính chất phức tạp; các đối tượng vi phạm thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng.
Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh phối hợp tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét; đã bắt giữ và xác lập hồ sơ xử lý 1.224 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, xử lý hành chính 1.179 vụ; xử lý hình sự 33 vụ.
Đặc biệt, từ năm 2017 đến tháng 6.2020, tình trạng chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp. Toàn tỉnh xảy ra 22 vụ; trong đó, huyện Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước mỗi địa phương 1 vụ; TX An Nhơn 2 vụ; huyện Vĩnh Thạnh 3 vụ; huyện Hoài Ân và An Lão mỗi địa phương 7 vụ.
Đối tượng chống người thi hành công vụ chủ yếu là những người mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Các đối tượng thường tổ chức băng nhóm, có sự sắp xếp từ trước. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì sẵn sàng cản trở, chống đối quyết liệt để tẩu tán tang vật. Thậm chí, sử dụng các loại hung khí để uy hiếp, tấn công lực lượng kiểm lâm đang thi hành công vụ.
Nhiều lãnh đạo hạt kiểm lâm trên địa bàn tỉnh thẳng thắn nhìn nhận: Lợi nhuận từ việc trồng rừng kinh tế; khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản là động cơ thúc đẩy người dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BVR. Đời sống người dân khu vực nông thôn, miền núi nhìn chung còn nhiều khó khăn; thu nhập hàng ngày chủ yếu từ khai thác tài nguyên rừng. Khi vi phạm không có tiền nộp phạt vi phạm hành chính; cũng không có tài sản để cưỡng chế thi hành nên khó xử lý nghiêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, để công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVR phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan của tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp, giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển lâm sản đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Tăng cường phối hợp với chính quyền cơ sở thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng. Kết hợp với việc tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân địa phương không phá rừng; khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Phát hiện, xử lý kịp thời, kiên quyết, đúng pháp luật các vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng.
VĂN LỰC