Ðề xuất kéo dài cơ chế giãn, giảm thuế, phí
Tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức sau đợt bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19, DN trong tỉnh kiến nghị xem xét tiếp tục áp dụng giãn, giảm các khoản thuế, phí, tiền thuê đất, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay tín dụng…
Đánh giá từ Sở Công Thương, với tác động của dịch Covid-19, hầu hết ngành hàng đều chịu ảnh hưởng đầu vào do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, hoặc tác động đầu ra do sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế, hoặc chịu những ảnh hưởng của biến động mạnh về giá hàng hóa trên thị trường.
DN ngành may mặc gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh với 2 đợt dịch Covid-19 trong năm 2020.
Nhiều ngành hàng ảnh hưởng nặng
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết, các DN gặp khó vì thiếu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tạm hoãn, hoặc giãn thời gian giao hàng đã ký kết; chưa thể tìm kiếm đơn hàng mới cho năm 2020, đặc biệt các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh… Điều này ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN, nhất là giải quyết khó khăn về hàng tồn kho cao, duy trì việc làm và thu nhập của người lao động, vốn vay ngân hàng…
Sở Công Thương đã tổ chức đợt làm việc, nắm bắt tình hình khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của một số DN và hiệp hội ngành nghề, kiến nghị lên UBND tỉnh và sở, ngành liên quan xem xét biện pháp tháo gỡ khó khăn. Công ty CP May Bình Định cho biết, nhiều khách hàng chậm, hoặc hủy nhận hàng, lên đến hơn 20 tỷ đồng, trong khi đó đơn vị vẫn phải vay ngân hàng để trả chi phí nguyên phụ liệu, tiền lương người lao động. Doanh thu 8 tháng của năm mới đạt 90 tỷ đồng (45% kế hoạch năm), kim gạch xuất khẩu mới đạt 4 triệu USD.
Thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản đều chịu tác động mạnh của dịch, nhiều đơn hàng đồ vest của Công ty CP May Tây Sơn bị hủy. Đại diện DN cho hay, 4 dây chuyền sản xuất áo vest và 4 dây chuyền quần vest, đến tháng 8 giảm chỉ còn lại 1 dây chuyền may quần vest hoạt động. Dự kiến từ nay đến cuối năm, DN cũng chỉ có thể mở lại 2 dây chuyền để sản xuất đơn hàng trang phục cho ngành Y tế.
Theo Hiệp hội Khai thác và chế biến đá Bình Định, đến 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của các DN đạt 8,65 triệu USD, doanh thu mới đạt 1.020 tỷ đồng (51% kế hoạch năm). Hiệp hội kiến nghị cần có quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định DN được hưởng hỗ trợ từ các chính sách hỗ trợ do dịch bệnh Covid-19 một cách thống nhất đối với tất cả ngân hàng thương mại; xem xét nới lỏng tiêu chí cho phép cung cấp các khoản vay bình thường và vay lãi suất ưu đãi; xem xét giải ngân trong trường hợp doanh thu, thu nhập giảm và hàng tồn kho tăng trong kỳ dịch bệnh. Đồng thời, giãn, giảm, hoãn tiến độ nộp các khoản thuế, BHXH, tiền thuê đất, phí, lệ phí liên quan theo chính sách Nhà nước trong hỗ trợ thời kỳ dịch Covid-19.
Trong kiến nghị gửi đến Sở Công Thương, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định cũng đề xuất các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận vốn vay ngân hàng, miễn, giảm các loại thuế.
Hơn 44% DN đánh giá sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định
Cùng với đánh giá, nắm bắt tình hình của ngành Công Thương, một cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cũng được ngành Thống kê tiến hành trong tháng 9 này. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ, bên cạnh đánh giá thực trạng “sức khỏe” của DN, điều tra cũng tiến hành đánh giá mức độ hỗ trợ và sự lan tỏa của các chính sách đối với DN bị tác động bởi dịch Covid-19 trong thời gian qua. Thông qua đó, có các chính sách, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giúp DN ứng phó tốt hơn trước dịch bệnh.
Song song đó, ngành Thống kê tiến hành điều tra xu hướng kinh doanh của DN, đặc biệt chú trọng DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Mỹ cho hay: Với dự báo dịch Covid-19 được khống chế thời gian tới, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khả quan hơn. Điều tra trong 15% DN trên địa bàn tỉnh cho thấy, có 42,59% số DN cho rằng xu hướng sản xuất, kinh doanh trong quý IV/2020 sẽ tốt lên; 44,45% số DN cho rằng sẽ ổn định. Về đơn hàng, từ nay đến cuối năm xu hướng khả quan hơn với 45,37% số DN dự kiến có đơn hàng cao hơn; và 36,11% số DN có đơn hàng ổn định. Trong đó, đơn hàng xuất khẩu mới được 49,12% số DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu.
Điều đáng nói, vẫn còn những lo lắng nhất định về tác động của dịch Covid-19 đối với sản xuất, kinh doanh của DN, thể hiện rõ khi 12,96% trong số DN được điều tra dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn kém. Mặt khác, 92,59% số DN cho rằng, chi phí sản xuất giữ ổn định hoặc tăng nhẹ, điều này sẽ gây áp lực về giá cho các DN.
MAI HOÀNG