Doanh nghiệp chế biến gỗ: Vượt qua khó khăn, mở lối phát triển
Từ đầu năm 2020 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, song các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đã cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được những kết quả khả quan. Dù vậy, để thích ứng với bối cảnh bình thường mới, đòi hỏi cả DN, ngành chức năng và chính quyền phải nỗ lực nhiều hơn.
Dù gặp nhiều khó khăn song các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được những kết quả khả quan.
Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành là một DN chế biến gỗ có nhiều nỗ lực vượt khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu thời gian qua. Theo ông Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty, DN đã cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động chuyển đổi cách thức giao dịch, mua bán sao cho phù hợp nhất với đối tác; sản xuất một số mặt hàng mới, như: Tủ bếp, tủ nhà tắm, ván trang trí… Kết quả, 9 tháng đầu năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Đại Thành đạt 13,6 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Cùng với Đại Thành, nhiều DN chế biến gỗ khác cũng có kết quả khả quan. Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Bình Định đạt trên 420 triệu USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, gỗ đạt 166,8 triệu USD (tăng 13,3%), sản phẩm gỗ ước đạt 251,5 triệu USD (tăng 28,2%).
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cho biết, theo kế hoạch, mục tiêu mà ngành chế biến gỗ tỉnh đề ra trong năm 2020 là đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 600 triệu USD, chiếm khoảng 53% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, FPA Bình Định đã đề xuất một số giải pháp, như: Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép các DN chế biến gỗ tiếp cận dòng vốn vay ODA lãi suất thấp để có thêm nguồn vốn tín dụng hình thành, phát triển các chuỗi liên kết vùng, liên kết nhóm hộ gia đình và DN trong việc xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn và chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu quy mô lớn; đổi mới chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề cho lao động tại các làng nghề, các DN sản xuất, kinh doanh đồ gỗ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu...
Những nỗ lực vượt khó và kết quả mà các DN chế biến gỗ trên địa bàn đạt được trong thời gian qua đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu ghi nhận và đánh giá cao, nhất là vai trò “đầu tàu” với giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 55% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Để hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, qua đó đề ra nhiều giải pháp, trong đó có các nhóm giải pháp then chốt về nguyên liệu, thị trường, KH&CN, nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư, vốn đầu tư, liên kết hợp tác…
VIẾT HIỀN