Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4.10.1920 - 4.10.2020)
Nhà tư tưởng - văn hóa, nhà thơ cách mạng xuất sắc Việt Nam
Cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua nhiều lĩnh vực công tác, đồng chí Tố Hữu luôn thể hiện phẩm chất cao quý là nhà hoạt động chính trị năng nổ, nhà lãnh đạo ưu tú trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Ðảng, nhà thơ cách mạng xuất sắc Việt Nam thế kỷ XX.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, Tố Hữu tham gia cách mạng rất sớm.
Nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng
Giai đoạn năm 1947 - 1950, đồng chí Tố Hữu được Trung ương điều động lên Việt Bắc phụ trách công tác văn nghệ và làm Trưởng tiểu ban văn nghệ Trung ương. Những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, được giao phụ trách vận động văn hóa kháng chiến, lĩnh vực tuyên truyền và văn nghệ, đồng chí Tố Hữu đã hòa cùng công cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, truyền đạt các nghị quyết của Trung ương, động viên đội ngũ cán bộ tuyên huấn và văn nghệ sĩ sẵn sàng xông pha nơi chiến trường với niềm tin lạc quan mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Tố Hữu
Tháng 9.1950, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Tuyên truyền, phân công đồng chí Tố Hữu làm Trưởng Ban. Cuối năm 1954, đồng chí được phân công làm Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật; đến năm 1968, làm Trưởng ban Tuyên huấn và Trưởng ban Khoa học - Giáo dục Trung ương. Đồng chí Tố Hữu là tấm gương mẫu mực thực hiện xuất sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Trong quá trình xây dựng đội ngũ làm công tác tư tưởng - văn hóa, đồng chí Tố Hữu đã trực tiếp động viên, tập hợp, tổ chức và phát triển đoàn văn nghệ từ Bắc vào Nam; những tài năng của nhân dân, những chiến sĩ trung kiên đó đã làm nên một nền văn hóa - văn nghệ thời đại Hồ Chí Minh bất tử, các giá trị đó còn phát huy tác dụng đến hôm nay và mãi mãi về sau.
Là người lãnh đạo ưu tú trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đồng chí Tố Hữu luôn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc chuẩn bị về tổ chức bộ máy, cán bộ và nội dung, phương thức công tác tư tưởng của Đảng. Với tinh thần chỉ đạo ấy, các trường Đảng tỉnh cũng được củng cố về tổ chức, nội dung, chương trình đào tạo. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận, cán bộ tuyên huấn các cấp, cũng như việc nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên luôn được đồng chí Tố Hữu quan tâm đặc biệt.
Trước và sau các kỳ đại hội Đảng toàn quốc hoặc hội nghị Trung ương, đồng chí Tố Hữu thường chủ động, đi trước truyền đạt nội dung, tinh thần các văn kiện trên các phương tiện truyền thông, giúp các cơ quan tuyên huấn, báo chí, trường Đảng sớm có thông tin, tài liệu phổ biến, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân một cách nhanh nhất.
Nhà thơ cách mạng xuất sắc Việt Nam
Tố Hữu là nhà thơ cách mạng xuất sắc Việt Nam trong thế kỷ XX. Thơ của Tố Hữu vừa giản dị, gần gũi, vừa tinh tế, sâu sắc với lối tu từ và nghệ thuật diễn đạt phong phú, độc đáo và có sức truyền cảm lớn. Nội dung thơ chứa chan lòng yêu nước, thương dân và một lý tưởng cách mạng sáng ngời, một âm hưởng hừng hực, một khí phách hiên ngang của những con người Việt Nam đứng lên đánh giặc, giải phóng đất nước, quê hương. Nhân dân, quần chúng lao động gọi Tố Hữu là nhà thơ của mình, thuộc lòng thơ Tố Hữu, coi đó là phương châm suy nghĩ và hành động.
Tố Hữu (4.10.1920 - 9.12.2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành, quê ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1936, đồng chí gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản và trở thành người lãnh đạo Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế. Năm 1937, Tố Hữu gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó được cử vào Thành ủy Huế, phụ trách công tác tuyên truyền và thanh vận.
Tháng 4.1939, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt và kết án 2 năm tù giam ở Huế. Do đấu tranh chống tra tấn, đồng chí bị thực dân Pháp tăng án tù và đày đi Lao Bảo, rồi Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn..., sau đó đi trại tập trung Đắk Lay (Kon Tum) trong nhiều năm. Đến tháng 3.1942, đồng chí vượt ngục Đắk Lay về Huế, sau đó ra Hà Nội.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thơ của Tố Hữu thể hiện tình yêu thương đồng loại, tâm hồn nhân ái, thanh cao. Từ khi đến với cách mạng, thơ Tố Hữu cổ vũ tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản, tinh thần lạc quan, niềm tin vào Đảng, tương lai tươi sáng của đất nước; ngợi ca, kêu gọi, thúc giục con người hành động theo chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Với 82 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục và làm thơ; bằng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng dạn dày, đồng chí Tố Hữu là một nhà cách mạng, một nhà tư tưởng - văn hóa xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta. Đồng chí đã nêu gương sáng về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, một nhà văn hóa tài năng hết lòng vì sự nghiệp cách mạng vẫn còn sống mãi.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Tố Hữu là dịp để chúng ta ôn lại về cuộc đời hoạt động và những cống hiến, đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng nói riêng; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
QUY THÀNH