Triển khai các giải pháp tài chính trong ứng phó dịch bệnh covid-19: Năng động, tích cực, đạt kết quả tốt
Tỉnh Bình Ðịnh được Bộ Tài chính đánh giá là địa phương năng động, tích cực, thực hiện tốt các giải pháp tài chính trong ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Đến nay, Bình Định tiết kiệm chi ngân sách hơn 84 tỷ đồng, ưu tiên cho phòng, chống dịch bệnh; các chính sách hỗ trợ tài khóa như gia hạn tiền thuế đất, kéo giãn thời gian nộp thuế với tổng số tiền hơn 485 tỷ đồng, các gói hỗ trợ về tín dụng được triển khai hiệu quả; nhiều DN được kéo giãn nợ vay, hỗ trợ vay mới để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ
Với quyết tâm hoàn thành “mục tiêu kép” vừa chống dịch bệnh vừa tăng trưởng kinh tế, tỉnh Bình Định thực hiện đồng loạt các giải pháp tài khóa để hỗ trợ người dân và DN. Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết, ngay khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh trích 30 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, Sở tham mưu UBND tỉnh điều tiết, cắt giảm chi ngân sách thường xuyên, tiết kiệm chi hơn 84 tỷ đồng ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Sở phối hợp với Cục Thuế tỉnh triển khai kịp thời các quy định về hỗ trợ DN, người dân theo Nghị định số 41/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp tiền thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Thời gian qua, các cấp chính quyền, sở, ngành của tỉnh tổ chức nhiều buổi làm việc, đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành may mặc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
- Trong ảnh: Một chuyền may thuộc Công ty CP May Bình Định tại TP Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Kết quả đến hết ngày 31.7.2020, cơ quan thuế tiếp nhận 1.608 lượt hồ sơ, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 485,7 tỷ đồng, đạt 95,5%. Đối với hộ kinh doanh, cơ quan thuế đã phối hợp với hội đồng tư vấn thuế xã, phường để hỗ trợ giải quyết miễn, giảm thuế cho các hộ kinh doanh phải ngưng, nghỉ hoạt động. Ngành Thuế đã giải quyết miễn, giảm thuế cho hơn 9.000 lượt hộ ngưng, nghỉ kinh doanh, với tổng số tiền thuế miễn, giảm là 7,2 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đến hết tháng 7.2020, tỉnh Bình Định đã chi 257 tỷ đồng hỗ trợ người dân thuộc nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, nhấn mạnh: “Bình Định luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm, nhằm thực hiện tốt các chính sách. Với mục tiêu vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh đến người dân, tỉnh ưu tiên cân đối, bố trí ngân sách đảm bảo chi hỗ trợ nhanh 257 tỷ đồng cho dân mà không chờ đến khi nhận đủ 50% phần hỗ trợ từ Trung ương. Bình Định cũng là một trong địa phương thực hiện chính xác, đúng đối tượng cần hỗ trợ. Tỉnh đã huy động nguồn lực, trí tuệ, và chất xám từ các chuyên gia để khởi tạo phần mềm chống trùng lắp, hỗ trợ tích cực công tác triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP”.
Tái cơ cấu nợ cũ, ưu tiên cho vay mới
Nhằm hỗ trợ người dân, DN khôi phục sản xuất kinh doanh, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 414 khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại hơn 748 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 15 khách hàng với dư nợ được giảm lãi hơn 97 tỷ đồng. Cùng với đó, các ngân hàng chủ động tiếp cận, tạo điều kiện cho DN, người dân vay mới đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tính từ ngày 23.1 đến hết 31.8.2020, các ngân hàng cho vay mới 6.507 khách hàng, doanh số cho vay là 16.240 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, cho biết: Ngành ngân hàng xác định đồng hành với người dân, DN ngay khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Chúng tôi thành lập ngay tổ công tác, làm việc trực tiếp các hiệp hội ngành nghề, các DN. Đơn cử như chiều 22.9 vừa qua, Tổ công tác ngành ngân hàng đã làm việc với các DN may trên địa bàn tỉnh, để tiếp tục tìm cách hỗ trợ DN ngành may tốt nhất. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định trình Hội sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, tiếp tục kéo giãn nợ, giảm lãi vay, hỗ trợ DN ngành may mặc. Không chỉ có yếu tố sản xuất, kinh doanh, ngành may mặc có đông công nhân, nên sự biến động trong hoạt động của ngành có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của xã hội.
● “Cùng với các giải pháp hỗ trợ tài chính, Cục Thuế tỉnh đẩy nhanh hoàn thuế các dự án đầu tư, hoàn thuế xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho DN có vốn tái đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ðến nay, Cục Thuế giải quyết hoàn thuế 99 hồ sơ với tổng số tiền hơn 696 tỷ đồng. Thời gian đến, ngành Thuế tiếp tục rà soát, hỗ trợ tối đa cho DN, nhằm giúp DN quay vòng vốn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp số thu cho ngân sách địa phương”.
Ông NGUYỄN ĐẨU, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh
● “Với ngành may, SeAbank có quan hệ khách hàng với 3 DN thuộc lĩnh vực này ở Bình Ðịnh. Hầu hết các đơn vị đều được hưởng lãi suất ưu đãi của gói vay dài hạn, nên họ không có yêu cầu điều chỉnh giảm lãi suất. Hiện SeAbank tập trung cho vay mới để hỗ trợ người dân, DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong 8 tháng qua, SeAbank cho vay mới 6 khách hàng hoạt động lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm sợi nhựa giả mây với dư nợ 60 tỷ đồng (hạn mức tín dụng cho lĩnh vực này là 120 tỷ đồng). Ðể tham gia ổn định xã hội, SeAbank phối hợp với các hội, đoàn thể đưa tín dụng phát triển kinh tế hộ về vùng nông thôn của tỉnh”.
Ông LƯƠNG ANH TUẤN, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeAbank Bình Định
● “Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động của DN, theo hướng dẫn từ cơ quan thuế, chúng tôi nộp hồ sơ và được gia hạn thuế giá trị gia tăng (4 tháng), thuế thu nhập DN (2 quý) với số tiền 17,5 tỷ đồng. Nhờ được hỗ trợ kéo giãn thời gian nộp thuế, DN vượt qua giai đoạn khó khăn để phục hồi hoạt động”.
Ông LÊ QUỐC VƯƠNG, Kế toán trưởng Công ty TNHH Phú Hiệp (lĩnh vực khai thác khoáng sản và bất động sản).
● “Với riêng ngành gỗ, chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao công tác hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành liên quan. Với tư cách là hiệp hội ngành nghề của tỉnh, để tạo điều kiện cho các thành viên thuộc hiệp hội phát triển, chúng tôi đề xuất các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục xem xét các chính sách hỗ trợ trước mắt (giảm thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng, giảm lãi suất cho vay…) và chính sách lâu dài để các DN khôi phục và phát triển sau dịch bệnh”.
Ông LÊ MINH THIỆN, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định
THU DỊU