Khám phá nghề làm bánh tráng khoai lang
Những chiếc bánh tráng khoai lang được làm ra mất rất nhiều công sức và chẳng biết tự bao giờ, nó đã trở thành đặc sản ngọt ngào hương vị quê hương của người dân miền đất võ.
Kỳ công làm bánh tráng khoai lang
Tôi bước chân đến vùng đất Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), “thủ phủ” của nghề làm bánh tráng khoai lang vào lúc tờ mờ sáng. Tôi vào một căn nhà nhỏ có đôi vợ chồng đã hơn 10 năm gắn bó với nghề làm bánh tráng khoai lang. Đó là ông Ngô Văn Đạt (76 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thao (65 tuổi), ở khu phố Cửu Lợi Nam, phường Tam Quan Nam.
Ông Đạt đang đặt bánh tráng khoai lang lên vỉ tre trước khi mang đi phơi
Theo lời kể của vợ chồng ông Đạt, từ 3 giờ sáng, vợ chồng ông đã dậy chở khoai lang và dừa đến nhà máy bột để xay nhỏ. Sau đó mang hai nguyên liệu chính này về trộn chung thật nhuyễn với các nguyên liệu phụ gồm có gừng, đường, hạt mè và bột mì. Đây đều là những nguyên liệu tự nhiên, hầu hết có sẵn tại địa phương. Nếu trước đây người làm nghề bánh tráng khoai lang phải tự nhào bột một cách vất vả và tốn thời gian thì giờ đây, sự hỗ trợ của máy móc đã giúp họ đỡ cực nhọc hơn, thời gian làm bánh cũng được rút ngắn hơn.
Sau khi đã chuẩn bị xong bột làm bánh, công đoạn tiếp theo đó là cán bột. Qua bàn tay khéo léo của người làm bánh lâu năm, những chiếc bánh tròn trịa, màu sắc đẹp mắt lần lượt được tạo thành từ khuôn bánh có sẵn. Tôi cứ tưởng tượng trong đầu cách mình dùng com-pa tạo thành những hình tròn nối tiếp nhau với cùng kích thước, cứ giống như việc những chiếc bánh tròn đều được tạo ra liên tiếp, liên tiếp như vậy.
Trong buổi sáng hôm đó, tôi cũng có dịp ghé đến nhà của chị Phạm Thị Lan (34 tuổi), người đã có 3 năm làm nghề bánh tráng khoai lang ở khu phố Cửu Lợi Nam (phường Tam Quan Nam). Chị Lan cho biết: “Cán bột là công đoạn khó nhất. Nếu cán bột dày quá thì bánh lâu khô, mỏng quá thì nhanh khô nhưng bánh ăn không ngon”.
Tiếp theo đó là công đoạn đặt bánh lên những chiếc vỉ tre. Người thợ làm bánh lau sạch vỉ để không còn bụi bẩn trước mỗi lượt đặt bánh lên. Đặt bánh cũng cần sự khéo léo, không được đặt bánh chồng lên nhau vì khi phơi bánh sẽ lâu khô, không đều, không đẹp.
Cuối cùng là công đoạn mang đi phơi. Ngay lúc mặt trời vừa nhô lên, những chiếc vỉ tre đặt đầy bánh tráng khoai lang được mang ra phơi nắng. Người ta chọn nơi cao ráo để phơi bánh, vì như vậy bánh sẽ mau khô hơn, bởi hấp thụ được lượng nhiệt từ ánh sáng mặt trời nhiều hơn. Ánh nắng rọi vào những chiếc bánh khoai lang vàng óng trông rất đẹp mắt. Sau khoảng 3 giờ phơi bánh, người ta lật ngược từng chiếc bánh để hai mặt bánh khô đều trước khi trở thành những chiếc bánh thành phẩm sau vài giờ nữa.
Những chiếc bánh khoai lang được phơi trên cao
Không chỉ vất vả nhiều tiếng đồng hồ mới làm nên được những chiếc bánh khoai lang, mà người làm nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vào những ngày nắng họ mới làm bánh được. Bởi vì những ngày mưa, không thể phơi khô, bánh yểu mềm và rất dễ bị hư. Nói về sự vất vả của nghề, ông Đạt trầm tư khẳng định: “Làm nghề này rất cực”.
Dù trải qua nhiều vất vả nhưng nụ cười hiền của vợ chồng ông Đạt và chị Lan để lại trong tôi cảm giác những người dân này chính là những “người giữ lửa” nhiệt thành nhất trong nghề làm bánh tráng khoai lang.
Bánh tráng khoai lang - Ngọt ngào hương vị quê hương
Giống như bánh tráng nước dừa hay bánh tráng mì của người Bình Định, bánh tráng khoai lang có thể ăn liền hoặc nướng ăn đều ngon. Mùi vị ngọt dẻo của khoai lang, một chút vị béo của dừa, chút cay nhẹ của gừng và hương hạt mè thơm lừng đã tạo nên những chiếc bánh tráng khoai lang làm lòng người nhớ mãi sau mỗi lần thưởng thức.
Bánh tráng khoai lang là một trong những đặc sản nổi tiếng của người Bình Định
Chẳng biết có từ khi nào, nhưng giờ đây, nói đến những đặc sản nổi tiếng của người Bình Định thì sẽ là một thiếu sót không nhỏ nếu không nhắc đến món bánh tráng khoai lang. Từ Tam Quan Nam, bánh tráng khoai lang được mang đi đến khắp các vùng của miền đất võ. Bên cạnh đó, nhiều người cũng mang món ăn ngọt ngào hương vị quê hương này làm quà tặng bạn bè ở khắp nơi trên cả nước, nhất là ở Sài Gòn, Đà Nẵng. Hẳn đây là động lực để những người làm nghề bánh tráng khoai lang dù chịu nhiều khó nhọc vẫn giữ nghề và có thể truyền nghề lại cho các thế hệ sau.
THÀNH HUỲNH