Ðổi thay từ đồng vốn chính sách xã hội
Các chương trình tín dụng CSXH đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đang góp phần nâng cao đời sống người dân tộc thiểu số.
Anh Đinh Văn Thảo sử dụng vốn vay vào việc đầu tư trồng cây keo lai.
Phát triển chăn nuôi, trồng rừng
Vay vốn từ năm 2015, khi còn đang là hộ nghèo, hộ anh Đinh Văn Thảo (41 tuổi, ở làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh) đầu tư vào trồng keo lai. Nhờ nguồn thu tương đối ổn định từ việc bán keo, anh đã vươn lên diện cận nghèo vào cuối năm 2018. Đến năm 2019, anh tiếp tục được vay 80 triệu đồng theo chương trình vay hộ cận nghèo từ Ngân hàng CSXH và tiếp tục đầu tư cây keo giống trên 5 ha đất đồi.
Thoát nghèo từ năm 2015, hộ anh Đinh Văn Ngã (48 tuổi, ở thôn Canh Lãnh, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh) vẫn tiếp tục vay vốn để đầu tư trồng rừng. Anh kể: “Từ năm 2016 đến nay, tôi tiếp cận được 3 chương trình vay. Năm 2016, tôi vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi. Năm 2017, tôi vay 12 triệu đồng để làm công trình vệ sinh. Năm 2018, tiếp tục vay 50 triệu đồng cho hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Tổng vay là 102 triệu đồng. Nhưng nhờ trồng rừng, trồng mì, tôi đã trả 30 triệu đồng/50 triệu đồng của chương trình vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Dự kiến năm nay, bán mì xong là trả thêm 10 triệu đồng. Sang năm 2021, trả nốt 10 triệu đồng còn lại của chương trình này và 12 triệu đồng của chương trình vay nước sạch, vệ sinh môi trường. Tôi quý vốn vay CSXH, cảm ơn sự tin tưởng của Ngân hàng, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn nên luôn có kế hoạch trả nợ cụ thể, không để quá hạn, nợ xấu”.
Ông Đinh Văn Hùng, Trưởng làng Canh Lãnh, cho biết thêm: “Làng có 112 hộ, trong đó có 75 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo. Đời sống nhân dân trong làng nhiều năm nay đã thay đổi. Nhà cửa khang trang, kiên cố. 100% số hộ đều có tivi, xe máy. 30% số hộ đã sắm tủ lạnh. Bà con chịu khó, thay đổi tư duy, mạnh dạn vay vốn để trồng rừng, nuôi heo, nuôi bò”.
Thêm nhiều đối tượng tiếp cận vốn
Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, từ năm 2019 đến nay, gần 4.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn với số tiền đạt 159 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 2.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 76 lao động tiếp cận vốn giải quyết việc làm; 10 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 133 hộ thu nhập thấp hỗ trợ xây dựng nhà ở; 264 hộ gia đình vùng khó khăn vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đến ngày 31.8.2020, tổng dư nợ đạt 259 tỷ đồng, chiếm 6%/tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH. Dư nợ bình quân một hộ đạt 34,7 triệu đồng (bình quân chung là 45,8 triệu đồng). Riêng các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số theo các Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg; Quyết định số 755/QĐ-TTg và Quyết định số 2085/QĐ-TTg: Doanh số cho vay đạt 27,4 tỷ đồng với hơn 617 lượt khách hàng vay vốn; tổng dư nợ đạt 39 tỷ đồng, với hơn 1.000 hộ đang dư nợ.
Ngày càng có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được vốn vay. Như tại huyện Vân Canh, từ đầu năm đến ngày 29.9, doanh số cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 31 tỷ đồng (tổng doanh số cho vay cả huyện là hơn 84 tỷ đồng). Tại huyện Vĩnh Thạnh, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được với các chương trình vay vốn CSXH đạt 67,6% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Sử dụng vốn vay hiệu quả, cộng đồng dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh đã có nhiều gương nông dân sản xuất giỏi như ông Đinh Văn Khuân (làng 2, xã Vĩnh Thuận), ông Đinh Nhin (làng 3, xã Vĩnh Thuận) với thu nhập từ 180 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm từ mô hình trồng bí đỏ, dưa hấu, ngô lai, đậu đỗ...
Ông Trần Văn Đạt, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: “Người đồng bào dân tộc thiểu số hôm nay đã căn bản thay đổi nhận thức so với trước. Nắm vốn trong tay, họ trách nhiệm hơn, trả nợ đúng hạn và biết áp dụng các kiến thức mới. Ví dụ, họ nuôi bò một cách tập trung, có chuồng trại, biết trồng cỏ cho bò ăn...”.
Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tại cơ sở; tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đối chiếu, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, giám sát quá trình sử dụng vốn vay nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn. “Toàn huyện Vân Canh hiện có 127 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn cho 48 thôn, làng, trong đó có 35 thôn, làng dân tộc thiểu số. Các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn chính là “cánh tay nối dài” giúp hầu hết các đối tượng dân tộc thiểu số đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận nguồn vốn. Hệ thống đường bê tông nông thôn giúp cho hoạt động sản xuất, buôn bán của hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh, cho biết thêm.
NGUYỄN MUỘI