Bá Kiêu dân vận khéo
Từng làm Bí thư Ðảng ủy xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) hai nhiệm kỳ, năm 2012 nghỉ hưu, già làng làng Giọt 1 Ðinh Ðen (thường gọi là Bá Kiêu) luôn hăng hái tham gia công tác dân vận, hòa giải tại cơ sở, góp phần giúp bà con vùng cao nơi đây được bình yên, no ấm.
Già làng Bá Kiêu (thứ 2, từ trái qua) trao đổi về kinh nghiệm thực hiện công tác dân vận với Ban Dân tộc tỉnh và lãnh đạo xã.
Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Đinh Sét và bà Đinh Thị Lanh luôn bất hòa vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái đông. Ông Đinh Sét thường xuyên uống rượu và dùng rượu “làm cớ” để gây gổ, chửi mắng và đánh đập vợ con, khiến hôn nhân gia đình trên bờ vực rạn nứt. Biết tin, già làng Bá Kiêu đã nhiều lần tìm đến gia đình ông Sét khuyên răn và hòa giải. Ông Đinh Sét sau đó đã bỏ hẳn rượu, tu chí làm ăn, từng bước phát triển kinh tế và gia đình trở nên đầm ấm, hạnh phúc.
Hai gia đình khác là hộ ông Đinh Văn Mứt và hộ ông Đinh Gon trước kia cũng thường xuyên mâu thuẫn, gây gổ vì tranh chấp đất rẫy canh tác. Nhận được phản ánh của nhân dân, Bá Kiêu đã mời cán bộ địa chính xã đến đo đạc, kiểm tra lại đất đai của hai gia đình; còn ông cũng đến tìm hiểu đúng sai và vận động, khuyên giải để 2 gia đình thông tỏ. Từ đó đến nay, 2 hộ không còn tranh cãi, tranh chấp, tình làng nghĩa xóm đã khắng khít hơn.
Bá Kiêu tâm sự: Được bà con trong làng tín nhiệm, tôi luôn tham gia vận động, hòa giải những mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp trong cộng đồng; đồng thời, tích cực tuyên truyền nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bà con biết, thực hiện và tuân thủ. “Mâu thuẫn của các hộ dân trong làng chủ yếu là bạo lực gia đình dẫn đến tự tử, tự sát, gây gổ đánh nhau và tranh chấp đất đai canh tác... Để hòa giải và vận động, mình phải đi đến từng nhà nhiều lần, lắng nghe, chia sẻ và kiên trì giải thích, phân tích cái lợi và mặt hại của từng trường hợp; để người dân hiểu, nhận thức được vấn đề, từ đó điều chỉnh hành vi của mình, góp phần giúp gia đình, cộng đồng làng xóm yên bình”, Bá Kiêu tâm sự.
Làng Giọt 1 có hơn 90 hộ dân, chủ yếu là người Bana, đời sống, sản xuất của bà con còn nhiều khó khăn; cũng vì thế mà nhận thức còn thấp, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và ANTT địa phương. Trước đây, trong làng vẫn còn nhiều hủ tục, tập tục lạc hậu như: Nghi cầm đồ thuốc độc, bỏ mả, tảo hôn, đau ốm thì mời thầy cúng về cúng trừ... Giờ đây, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay tích cực, khởi sắc từng ngày. Trong những tiến bộ, văn minh hơn của dân làng có đóng góp không nhỏ của Bá Kiêu. Ông luôn cởi mở, gần gũi và khéo léo trong cách nói chuyện, nên đã dễ dàng thuyết phục bà con từng bước làm theo những điều tốt, lẽ phải.
Ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, nhận xét: “Bá Kiêu là một trong những già làng uy tín có nhiều kinh nghiệm làm công tác dân vận. Từ sự dân vận của ông, dân làng đã biết chăm chỉ lao động sản xuất, xóa bỏ hủ tục, sống văn minh, hiện đại hơn. Nhiều năm liền, già làng Bá Kiêu đã vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh và huyện Tây Sơn vì có nhiều thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
CHƯƠNG HIẾU