NHÀ VĂN PHẠM HỮU HOÀNG:
Cộng hưởng với lịch sử...
Những năm gần đây, truyện ngắn của nhà văn Phạm Hữu Hoàng được nhiều diễn đàn văn chương uy tín như báo, tạp chí: Văn Nghệ, Văn nghệ quân đội… đăng tải. Gần nhất, ông đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác Văn học Bình Ðịnh mở rộng năm 2018 - 2019.
Phạm Hữu Hoàng sinh năm 1962, quê ở TX An Nhơn. Ông đạt 2 giải B giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu: Lần IV (2006 - 2010) và lần V (2011 - 2015). Nguyệt Cầm là tập truyện thứ 3 sau tập Vương pháp (2009), Đêm ảo huyền (2015).
Nhiều người tiếp xúc đều dễ nhận thấy ông là kẻ yêu văn chương đến… hồn nhiên. Với ông, tác phẩm mình viết ra như là máu thịt, là gan ruột. Nên khi được đón nhận, ông hết sức trân trọng. Trò chuyện văn chương - chẳng cứ gì những người tâm đầu ý hợp, với ai cũng vậy, ông say sưa và cao hứng. Và không chỉ bạn văn, cả những người ngoại giới cũng nhìn thấy ở Phạm Hữu Hoàng chất hồn nhiên mà máu lửa, nét đáng yêu của một người say mê với sáng tác.
Ngã rẽ với truyện lịch sử
Ông bắt đầu viết truyện từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu là các truyện ngắn khai thác các giá trị sống, khơi lên điều tử tế để con người san sớt, yêu thương nhiều hơn. Các truyện phần nhiều được dùng ở các báo trong và ngoài tỉnh, nhưng chưa tạo được nhiều sự chú ý. Bạn đọc bắt đầu nhắc nhớ đến Phạm Hữu Hoàng nhiều hơn với những truyện ngắn lịch sử.
Năm 2000, ông viết truyện Vương pháp, được đăng trên Tạp chí Văn. Sau đó, ông viết tiếp truyện Thằng Ngật, được tuyển in trong Buffet truyện ngắn miền Trung. Hai truyện đều được ông trân trọng đưa vào tập sách đầu tay: Vương pháp. Nếu Vương pháp nhấn sâu vào đạo làm người, xem trọng nghĩa nhân thì ở Thằng Ngật, truyện gợi và sâu hơn ở sự lột tả cái nhem nhuốc, bệ rạc của những tên quan tham lam, dâm dật, vô trách nhiệm. Những truyện này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc sáng tác của nhà văn, để ông mạnh dạng chuyển hướng sáng tác.
Từ sau tập Vương pháp, truyện lịch sử do ông viết xuất hiện với tần suất dày hơn. Phạm Hữu Hoàng trải lòng: “Từ nhỏ tôi đã mê sử, từ những trận chiến, những anh hùng kiêu bạc đến những hưng vong triều đại, oan khiên thân phận... Khi đặt bút viết, tất cả những chi tiết mình đã nạp vào trong đầu bao năm qua trở thành lực hút, kết dính khiến mình không thể rời ra. Và tôi viết với tất cả niềm hứng thú, say mê”. Có thể nói ở một ngưỡng nào đó, ông đã có sự cộng hưởng nhất định với lịch sử, luồng khúc xạ bắt nhịp từ ông hắt lên một vùng không gian riêng để từ đó Phạm Hữu Hoàng có thể ký thác lòng mình, để treo lên đó những câu chuyện của mình.
Văn của Phạm Hữu Hoàng tinh gọn, đôi lúc thô nhám, không quá đi vào cái trữ tình để tạo cảm giác dễ đọc cho độc giả. Ông chú tâm vào thông điệp. Có lẽ, một phần tính cách của ông cũng thể hiện trong những trang văn ông viết. Đó là sự bộc trực rõ ràng, thương ghét. “Nhiều người vẫn nhầm rằng có thể ve vuốt nhau, làm đẹp lòng nhau trong văn chương. Văn chương sáng tác mà có gì đâu mà chuẩn xác vậy, nghiêm trọng vậy! Nhưng tôi, lúc nào tôi cũng cần sự nghiêm túc và công bằng. Tôi đến với mọi người bằng sự chân thành. Và đến với văn chương cũng với thái độ như vậy, nhất quán một sự chân thành” - Phạm Hữu Hoàng chợt trầm ngâm, nhẹ giọng chia sẻ.
Bỉ bền trên từng trang viết…
Mới rồi, ông ra tập sách mới, Nguyệt cầm (NXB Hội Nhà văn, 2020), đa phần là truyện lịch sử. Vẫn trên cái nền những dữ kiện chính sử, về triều đại Tây Sơn, Nguyễn Ánh… với bao thăng trầm, được mất, ông tái dựng lại không gian xưa cũ, xây dựng đa diện nhân vật để gửi gắm những tư tưởng, thông điệp của mình. Như ở truyện Người về trên đỉnh Kông Krêy (truyện đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác Văn học Bình Định mở rộng năm 2018-2019), mượn chuyện tìm kiếm kho báu của Tây Sơn Vương mà phơi bày ra bao điều về thế sự, lòng người. Bước ra từ câu chuyện tưởng chừng xa xưa lắm, nhưng truyện ngắn này như gần gũi trong những liên hệ với thực tại. Bởi thói đời, cái bẫy lợi danh và lòng tham đã làm biến chất con người. Nguy hại hơn, khi những kẻ ấy có chức tước và quyền lực… Bằng lối kể, dẫn dắt mạch chuyện như vậy Phạm Hữu Hoàng được nhiều bạn đọc đồng cảm.
Viết truyện lịch sử chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng dường như nhà văn thích những khó khăn ấy. Nó kích thích và thôi thúc sự chinh phục. “Nhanh thì 3 tháng, lâu thì mất vài ba năm để hoàn thành một tác phẩm. Mình phải tìm hiểu thực kỹ những dữ liệu lịch sử liên quan, từ sự kiện, nhân vật đến trang phục, cách đi đứng nói năng... Nhọc công thế nên khi viết xong một truyện, mình thực sự thấy rất… đã. Khi được độc giả đón nhận, thì niềm vui ấy như được nhân đôi”, nhà văn tâm sự.
Với những truyện ngắn của mình, Phạm Hữu Hoàng luôn cố gắng khai thác nhiều khía cạnh, tìm cách thể hiện mới để chi tiết truyện sinh động, tình tiết lôi cuốn hơn. Như truyện Người quản ngục kinh thành, ông tái hiện một giai đoạn cuối của nhà Tây Sơn, hỗn loạn và bi oán, để thấy rằng ở những thời khắc then chốt, có tính quyết định, bản chất của con người sẽ bộc lộ đến tột cùng. Nhưng cùng với đó, người đọc còn thấy những trang văn mềm mại của ông chứ không hẳn khô khan. Thử đọc một đoạn văn của Phạm Hữu Hoàng khi ông viết trong truyện Nguyệt Cầm: “Bùi Thị Nhạn ngậm ngùi trông lại. Lửa cháy đỏ rực một góc trời. Trên không, vầng trăng tỏa một vòm sáng xanh xao. Vầng trăng sao gần gũi thân thiết quá. Vầng trăng tròn vạnh như cái bầu đàn. Cần đàn là những sợi mây đen lượn lờ trên đỉnh trăng. Không kìm được. Bùi Thị Nhạn bồi hồi thốt lên: “Nguyệt cầm! Đúng là nguyệt cầm!”… Bỗng từ trong tâm tưởng vẳng lên khúc Nam Ai quen thuộc. Giai điệu nhớ tiếc, buồn thương, sầu thảm như một lời nỉ non, ai oán não nùng làm xao động cả trăng đêm…”.
Nhận định về chính sáng tác của mình, nhà văn thổ lộ: “Có thể mình viết chưa tới so với những gì mình nghĩ nhưng mà sẽ cố gắng hoàn thiện hơn, đi trọn vẹn hơn con đường mình đã chọn”. Với ngã rẽ về hướng truyện lịch sử, nhà văn đang tiếp tục dấn bước, bằng sự say mê và tâm huyết của mình.
VÂN PHI