Homestay ở vùng cao An Toàn
Ăn ở trong nhà sàn giữa không gian núi rừng với không khí mát lạnh, tìm hiểu đời sống sinh hoạt, lao động của người dân miền núi, tham quan phong cảnh thiên nhiên là trải nghiệm thú vị khi đến với xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão.
Nhà sàn của anh Đinh Văn Kem làm homestay ở thôn 1, xã An Toàn.
Từ TP Quy Nhơn đi khoảng 110 km đến xã An Hòa, huyện An Lão, rồi tiếp tục vượt hơn 30 km đường đèo quanh co là đến xã An Toàn. Trên chặng đường đèo có phong cảnh đẹp, thêm phần hứng khởi khi ghé tham quan các con suối đá tại cây số 7, cây số 10 (xã An Quang).
Khách muốn ăn ở homestay tại thôn 1 xã An Toàn liên hệ đặt trước với anh Ðinh Văn Kem (0865874277) để được phục vụ chu đáo hơn. Anh Kem cũng “xâu đầu mối” huy động người dân địa phương tham gia phục vụ các đoàn khách muốn khám phá thác K50 rất đẹp ở vùng rừng núi giáp ranh giữa huyện Kbang (Gia Lai) và huyện An Lão. Từ thôn 1, xã An Toàn đi xe máy “chuyên dụng” do người dân địa phương chở vượt qua 20 km đường đồi núi, rồi đi bộ xuyên rừng khoảng một tiếng mới đến thác K50.
Xã vùng cao An Toàn có 3 thôn, thì hiện ở thôn 1 và thôn 2 mỗi thôn có một hộ dân lập homestay phục vụ khách. Dù phải di chuyển đến xa nhất trong 3 thôn, nhưng từ năm 2019 đến nay homestay của gia đình anh Đinh Văn Kem (người Bana) ở thôn 1 đã đón khá nhiều đoàn khách ở trong và ngoài tỉnh. Đến với homestay này, bạn được ở trong một ngôi nhà sàn lớn bằng gỗ, có 2 phòng khá rộng đầy đủ mùng mền chăn chiếu để phục vụ đoàn khách từ 20 - 30 người, cạnh đó là 2 phòng nhỏ riêng biệt. Mùa này khi đêm xuống, bạn sẽ được cảm nhận cái thú rúc mình trong chăn ấm, nghe những tiếng rừng đêm vọng về từng chặp, êm đềm trôi vào giấc ngủ ngon lành.
Nối thông với ngôi nhà chính trong homestay này là nhà sàn bằng gỗ được dùng làm nhà bếp kiêm nhà ăn rộng rãi và thể hiện đặc trưng của người dân miền núi, trong góc nhà có để nhiều ché rượu cần, gùi. Homestay có phục vụ các món ăn từ gà, heo thả vườn đồi, rau rừng, cá sông, suối. Nếu đủ khả năng làm bếp, bạn có thể mua các loại thực phẩm được người dân trong thôn nuôi, trồng, để tự chế biến thoải mái như “ở nhà mình”. Khi màn đêm buông xuống, bạn trò chuyện cùng chủ nhà bên ché rượu cần nồng nàn, được nghe kể về đời sống sinh hoạt, lao động của người đồng bào Bana. Tới đây, thôn 1 sẽ có thêm một ngôi nhà sàn lớn khác do em ruột anh Kem đầu tư, hứa hẹn bạn sẽ có thêm nhiều lựa chọn.
Khách tham quan vườn cam ở thôn 2, xã An Toàn.
Đi dạo chơi qua 3 thôn của xã đều có những điều thú vị. Thôn 1 cảnh quan đẹp, chưa bị “bê tông hóa” nhà cửa như ở nhiều vùng cao khác. Hầu hết đồng bào Bana trong thôn 1 hiện vẫn ở trong nhà sàn bằng gỗ, có khá nhiều nhà trồng cây, hoa đẹp. Một ấn tượng khác mà chúng tôi chưa thấy dù từng đi đến nhiều làng, thôn miền núi trong tỉnh, đó là nhà sàn của người dân tập trung ở sát cạnh nhau, hay đối diện nhau chỉ phân cách bằng con đường đất nhỏ đi xuyên giữa. Điều này khiến khách ở homestay càng có cảm giác được “tương tác” nhiều hơn với cộng đồng cư dân địa phương vốn đã rất thân thiện, khi được thấy họ đi lại, sinh hoạt ngay trước mắt mình.
Đi cùng người dân ra rẫy ở vùng đồi núi ngay phía trước thôn 1, bạn có thể tham gia hái những quả bưởi da xanh, hoặc cùng nhổ những bụi mì có củ to gần bằng bắp chân người lớn, mua về làm quà hoặc hấp, nướng thưởng thức củ mì ngay tại homestay, ăn thơm bùi hơn loại trồng dưới vùng xuôi. “Bật mí” với bạn, nếu theo những tay “sát cá” đi đến khu vực sông Côn chảy qua thôn 2, có thể xem săn bắn loại cá phá “đặc sản” An Toàn, có con nặng đến 5 kg, thịt cá béo ngọt. Nếu có sức khỏe và ưa thích khám phá, bạn có thể đề nghị “thổ địa” dẫn đường từ thôn 2 đi vào rừng sâu để tìm đến nơi khởi nguồn sông Côn.
Đặc sản cá phá ở đoạn sông Côn chảy qua thôn 2, xã An Toàn.
Tại thôn 2, đi bộ khoảng 500 m đường đồi núi, bạn sẽ đến địa điểm người dân địa phương thường gọi là “Bãi cỏ Gia Long” nằm ở độ cao hơn 900 m so với mặt nước biển, nơi có rừng chè tự nhiên trên diện tích 1,9 ha, với rất nhiều cây chè cổ thụ. Chè vùng này hương vị thơm ngon riêng, tương truyền ngày xưa là đặc sản được cung tiến vua. Tháng 10.2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp bảo hộ độc quyền nhãn hiệu chứng nhận “Chè tiến vua An Toàn” của huyện An Lão. Đứng trên bãi cỏ Gia Long, ngắm những cánh rừng nguyên sinh trải dài rộng ngút ngàn tầm mắt, thêm thích thú khi tự tay hái nhiều lá chè xanh tươi đem về nhà nấu uống, để rồi càng thêm nhớ hương vị vùng cao…
HOÀI THU