PHÁT TRIỂN THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO:
Cần quy hoạch bài bản, tầm nhìn chiến lược
Những năm qua, thể thao Bình Ðịnh đã đạt được một số thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do chưa chú trọng đến công tác đánh giá và quy hoạch các bộ môn để tập trung vào những nội dung thế mạnh, việc đầu tư còn dàn trải nên thành tích vẫn chưa tương xứng.
Các VĐV có tố chất, có khả năng đạt thành tích cao ở các giải quốc gia, quốc tế cần được khuyến khích bằng các chế độ đặc thù.
- Trong ảnh: VĐV Phạm Thị Hồng Lệ từng giành được nhiều huy chương ở các giải quốc gia, SEA Games, nhưng vẫn hưởng chế độ bằng các VĐV khác ở đội tuyển điền kinh Bình Định.
Quy hoạch các bộ môn
Hiện nay, công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV thi đấu thể thao của tỉnh do Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh cùng Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đảm nhiệm. Trong đó, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh quản lý gần 300 VĐV, thuộc 10 bộ môn; Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định quản lý 80 VĐV, thi đấu 4 môn. Số lượng VĐV như vậy vẫn còn thấp so với chỉ tiêu đưa ra trong Quyết định số 2615/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT (đến năm 2020, số VĐV được tập trung đào tạo ở tuyến năng khiếu, kể cả vệ tinh từ 800 - 900 VĐV; tuyến trẻ 200 VĐV; tuyến đội tuyển 250 VĐV).
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với thực tế hiện nay, điều nên làm là tập trung cho chất lượng tuyển chọn, huấn luyện để đạt được những thành tích cụ thể hơn là chạy theo số lượng, vừa dàn trải tốn kém, vừa thiếu hiệu quả. Trong 2 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc gần nhất, thể thao Bình Định đều không đạt chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể: ở Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014 thể thao Bình Định đoạt 4 HCV, 6 HCB, 11 HCĐ, đứng 27/65 đoàn (kế hoạch đạt 12 - 15 HCV, xếp hạng 15 - 20 so với các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc); còn tại Đại hội TDTT năm 2018, thể thao Bình Định giành được 7 HCV, 7 HCB, 5 HCĐ, đứng 23/65 đoàn (kế hoạch đạt 15 - 20 HCV, xếp hạng 14 - 17). Cả hai lần, sau mỗi kỳ Đại hội không đạt kế hoạch như vậy, ngành Thể thao vẫn không tổ chức đánh giá, làm rõ nguyên nhân để cải thiện tình hình. Tất nhiên có một phần nguyên nhân là do hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện, thi đấu của tỉnh đã xuống cấp, chưa được đầu tư tương xứng. Nhưng không thể nói rằng đó là tất cả nguyên nhân.
Cải thiện chế độ cho VĐV
Một nguyên nhân khác ảnh hưởng rất lớn đến thành tích thể thao trong thời gian qua là chế độ tiền công, tiền dinh dưỡng của VĐV, HLV quá thấp so với mặt bằng chung. Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, hiện VĐV đội tuyển tỉnh, tuyển trẻ, năng khiếu được hưởng mức tiền ăn theo Quyết định số 59/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh tương ứng là 100 nghìn đồng/ngày, 90.000 đồng/ngày, 80.000 đồng/ngày; tiền công tập luyện (22 ngày/tháng) theo Quyết định số 1203/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh tương ứng là 80.000 đồng/ngày, 40.000 đồng/ngày, 30.000 đồng/ngày.
Mới đây, Sở VH&TT đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định về việc quy định tiền lương, tiền thưởng, chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với HLV, VĐV thể thao tỉnh. Trong đó có liên quan đến nhiều văn bản, mới nhất là Nghị định 152/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã có văn bản tham mưu cụ thể và các cơ sở để áp dụng chế độ cho HLV, VĐV. Bên cạnh đó, Sở Tài chính cho rằng, nội dung đề nghị của Sở VH&TT mang tính đại trà nên không đáp ứng được mục đích áp dụng khắc phục tình trạng “chảy máu tài năng”…
Quan điểm của Sở Tài chính được nhiều chuyên gia thể thao tán thành, xác đáng, bởi lâu nay ngành Thể thao chưa có những đánh giá cụ thể về tính hiệu quả trong việc đầu tư vào các bộ môn ở từng giai đoạn. Từ đó, đưa ra chiến lược phát triển để phát huy tối đa các nội dung thế mạnh, có chế độ đặc thù cho nhóm VĐV có khả năng đạt thành tích cao ở các giải quốc gia, quốc tế.
Việc nâng chế độ cho HLV, VĐV là cần thiết, nhưng nếu tăng cùng lúc cho tất cả VĐV không tạo được sự cạnh tranh, kích thích tinh thần tập luyện. Thay vào đó, nếu chúng ta có sự sàng lọc, đầu tư cho những VĐV có tố chất tốt thì tính hiệu quả sẽ cao hơn nhiều.
HOÀNG QUÂN