“Mắc kẹt” vì bảo hiểm tàu cá
Sau nhiều tháng nhận văn bản đề nghị từ các DN kinh doanh bảo hiểm về việc sửa đổi quy tắc, biểu phí bảo hiểm, ngày 12.8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã ký Văn bản số 9683/BTC-QLBH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trả lời về việc triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Bộ Tài chính khẳng định, theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Thủy sản, bảo hiểm tàu cá là loại hình bảo hiểm không bắt buộc. DN bảo hiểm và ngư dân thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm trên nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với quy định pháp luật. Ngư dân có thể lựa chọn mua bảo hiểm theo chính sách Nghị định 67 hoặc theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ và các sản phẩm bảo hiểm thương mại tự nguyện khác do các DN bảo hiểm cung cấp.
Bộ Tài chính cũng không chấp thuận đề nghị sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các DN bảo hiểm, bởi Nghị định 67 và các văn bản sửa đổi, bổ sung chưa được điều chỉnh, nên chưa có cơ sở pháp lý để chấp thuận đề nghị của DN bảo hiểm.
Cứ ngỡ rằng sau khi có trả lời của Bộ Tài chính, chủ “tàu 67” trong tỉnh sẽ được mua bảo hiểm để vươn khơi, song mọi chuyện diễn ra không mấy suôn sẻ. Ngư dân Nguyễn Ngọc Châu, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99169-TS, than thở: “Tàu tôi hết hạn bảo hiểm trong tháng 6.2020. Tôi liên hệ nhiều nơi để mua bảo hiểm, nhưng không có DN nào bán. Không có bảo hiểm tàu cá, BĐBP cũng không ký giấy tờ cho đi biển. Ở nhà biết lấy đâu ra tiền trả nợ, chúng tôi đành đi biển chui, mà đi biển chui thì không được hỗ trợ tiền dầu, bởi có được ký giấy tờ gì đâu. Ngư dân đã khó lại càng thêm khổ chỉ vì bảo hiểm tàu cá”.
Còn ngư dân Lê Văn Thãi, cũng ở xã Cát Khánh, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99016-TS, tỏ ra lo lắng: “Tàu tôi được bán lại bảo hiểm trong tháng 2.2020, đến tháng 2 sang năm cũng sẽ hết hạn. Chẳng biết khi đó có mua lại được nữa hay không. Chúng tôi rất mong UBND tỉnh xem xét tháo gỡ khó khăn cho ngư dân”.
Theo Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có 26 “tàu 67” còn hạn bảo hiểm tàu cá, 31 tàu đã hết hạn bảo hiểm nhưng không mua lại được, do các DN bảo hiểm tạm dừng bán bảo hiểm.
Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: “Theo Luật Thủy sản, bảo hiểm tàu cá không bắt buộc mua, chỉ bắt buộc mua bảo hiểm thuyền viên. Tuy nhiên, “tàu 67” là tài sản hình thành từ vốn vay, nên ngân hàng không cho các tàu ra khơi khi hết hạn bảo hiểm, bởi nếu xảy ra rủi ro rất khó để thu hồi nợ vay. Mặc dù Sở đã liên hệ nhiều DN bảo hiểm tại Bình Định để bán bảo hiểm cho tàu cá, nhưng các DN vẫn không bán”.
Tại nhiều cuộc họp bàn giải pháp liên quan đến nợ vay “tàu 67”, bảo hiểm tàu cá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho rằng: “Ngư dân, ngân hàng và DN bảo hiểm, ai cũng muốn “nắm cái cán” nên chưa có tiếng nói chung. Các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để bàn giải pháp tháo gỡ, phải tính toán cụ thể trách nhiệm của ngư dân, DN bảo hiểm, ngân hàng mới giải quyết được câu chuyện bảo hiểm tàu cá”.
ĐOAN NGỌC