Nguy hiểm đông dược trộn... tân dược
Hiện nay, một số thuốc y học cổ truyền lưu hành dưới dạng “thuốc gia truyền” không công bố chất lượng, không đăng ký… Ðáng nói, khi người dùng đưa đi kiểm nghiệm thì phát hiện thuốc có chứa thành phần tân dược, nguy hiểm cho người sử dụng.
Không dễ phát hiện
Bà L.T.T.H (TP Quy Nhơn) mắc chứng đau ở khớp nhiều năm, điều trị tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh vẫn không thuyên giảm. Nghe người quen mách, cách đây vài tháng, bà tìm mua thuốc viêm khớp thấp, trên nhãn hiệu ghi “thuốc gia truyền - y học dân tộc” của Đỗ Thái Nam (Chợ Mới, An Giang). Sau thời gian ngắn sử dụng, chứng đau khớp của bà H. giảm hẳn, nhưng theo kiểu “còn dùng thuốc thì hết đau, dừng thuốc lại đau hơn”. Nghe người quen bảo có thể thuốc chứa tân dược nên mới có tác dụng nhanh như vậy, bà H. gửi mẫu nhờ Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm (Sở Y tế) kiểm tra. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có chứa hoạt chất tân dược paracetamol - tác dụng kháng viêm, giảm đau nhanh.
Kiểm tra chất lượng thuốc đông dược bằng máy sắc ký lỏng tại Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm.
Cũng mắc chứng đau khớp, một bệnh nhân ở Quy Nhơn nhờ người quen mua thuốc đông y trị khớp xách tay từ Hàn Quốc về. Sử dụng một thời gian, chứng đau khớp giảm hẳn, nhưng mặt của bệnh nhân này lại có dấu hiệu phù. Lo lắng, bệnh nhân gửi mẫu thuốc nhờ kiểm tra thì phát hiện thuốc có chứa hoạt chất nhóm corticoid. Đi khám, bác sĩ kết luận bệnh nhân này bị hội chứng Cushing (bệnh lý nội tiết do rối loạn chức năng vỏ tuyến thượng thận, gây tăng mạn tính hormon glucocorticoid không kìm hãm được) do lạm dụng corticoid.
Dược sĩ Võ Thị Hường, Phòng Đông dược - Mỹ phẩm (Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm), cho hay: Thời gian qua, một số người sử dụng thuốc y học cổ truyền nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lại được quảng cáo chữa nhiều loại bệnh, thậm chí “bảo đảm sẽ khỏi bệnh”. Tuy nhiên, khi kiểm nghiệm chất lượng cho thấy thuốc có trộn lẫn hoạt chất tân dược.
Những loại thuốc cổ truyền thường được pha thêm tân dược vào là thuốc trị viêm mũi, cảm cúm, viêm xoang, viêm khớp, tiểu đường trộn thêm hoạt chất paracetamol, glibenclamid, nhóm corticoid như dexamethasone, betamethason, nhìn bằng mắt thường người bệnh và ngay cả cơ quan quản lý cũng khó phát hiện thuốc có trộn tân dược. Vì nghĩ lành tính, an toàn nên đa phần người dùng dài ngày, dẫn tới quá liều gây độc, tùy vào cơ địa mỗi người mà có biểu hiện sớm hay muộn.
Hậu quả khó lường
Theo các bác sĩ, thuốc y học cổ truyền là thuốc có thành phần dược liệu được chế biến, bào chế hoặc phối ngũ theo lý luận và phương pháp của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian thành chế phẩm có dạng bào chế truyền thống hoặc hiện đại. Việc sử dụng thuốc cổ truyền được bệnh nhân ưa chuộng, nhất là người lớn tuổi. Tuy nhiên, tâm lý người bệnh mong muốn hiệu quả nhanh, nên có cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền đã trộn thêm các loại tân dược vào để tăng hiệu quả tức thời, lờ đi những nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh.
Bác sĩ CKI Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Y học cổ truyền (BVĐK tỉnh), chia sẻ, không ít bệnh nhân phải nhập viện do các biến chứng sử dụng thuốc đông dược có trộn lẫn tân dược, như suy thận, rậm lông - tóc, hội chứng Cushing, loãng xương… Khai thác tiền sử sử dụng thuốc thì thường gặp trường hợp người bệnh mua thuốc đông y gia truyền không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là bệnh nhân bị tiểu đường, huyết áp, tai biến, viêm khớp, viêm mũi xoang…
“Sản phẩm thuốc đông y có trộn tân dược nhưng không theo quy định và tiêu chuẩn cụ thể được cơ quan y tế thẩm định sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Bởi điều trị bằng đông y thường có tác dụng khá chậm và cần thời gian dài, nên việc trộn tân dược tán bột vào thuốc đông y là đánh vào tâm lý đem lại hiệu quả nhanh chóng hơn cho người bệnh. Khi mới uống, người bệnh có cảm giác bệnh thuyên giảm ngay, nhưng dùng thời gian dài thì nguy hại cho sức khỏe, thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng”, bác sĩ Hà nói.
Th.S Trần Minh Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm tỉnh, cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 300 cơ sở kinh doanh thuốc y học cổ truyền. Hàng năm kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở 300 - 400 mẫu thuốc. Những năm gần đây, chưa phát hiện tình trạng đông dược trộn lẫn tân dược. Nhưng trên thị trường tồn tại các loại thuốc này, dưới dạng thuốc “gia truyền” không nhãn mác, công bố chất lượng sản phẩm… Hầu hết người mua và dùng thuốc theo truyền miệng, quảng cáo, mua qua mạng mà không quan tâm, tìm hiểu đến nguồn gốc xuất xứ, chỉ biết thuốc được quảng cáo như “thần dược”, “chữa bách bệnh”, giao hàng tận nơi và được tư vấn sức khỏe nhiệt tình. Đây là cơ hội cho thuốc cổ truyền trộn tân dược tồn tại trên thị trường, bệnh nhân lạm dụng sẽ để lại hậu quả rất lớn.
MAI HOÀNG