Tiếp tục chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới
So với những địa phương khác, Bình Ðịnh là nơi không có dịch Covid-19 nên năm học mới 2020 - 2021 bắt đầu khá thuận lợi. Kế thừa những thành công năm học 2019 - 2020, năm học mới, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cần có kế hoạch sẵn sàng
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai khoảng 1 tháng, những trường tiếp cận với chương trình mới từ sớm khá chủ động, những trường miền núi tập trung dạy học theo năng lực của học sinh mình; các phòng chức năng ở các trường tương đối đảm bảo. Ông Bùi Xuân Ngọc, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh), cho biết, các phòng chức năng, phòng tiếng Anh ở trường tiểu học cơ bản đảm bảo cho các em thực hành nghe, nói, làm bài tập.
Ông Trần Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, chia sẻ: Đây là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và mới chỉ triển khai cho lớp 1. Yêu cầu của chương trình là mỗi lớp mỗi phòng học vì vậy vừa rồi huyện cũng đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện chương trình. Năm học tiếp theo chương trình áp dụng thêm cho lớp 2 và lớp 6 vì vậy tôi nghĩ nên có lộ trình cụ thể về việc xây dựng cơ sở vật chất dựa theo số học sinh và khảo sát thực trạng về cơ sở vật chất chứ không phải đến nơi rồi mới xây dựng, chắp vá.
Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trước khi vào năm học, ngành Giáo dục tỉnh phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Huế, các nhà xuất bản tập huấn giáo viên. Theo ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ở Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa, sách giáo viên chỉ là tài liệu tham khảo, do vậy, đội ngũ giáo viên là nhân tố quan trọng khi triển khai chương trình.
Phòng chức năng ở các trường tiểu học khá đảm bảo.
- Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh) trong giờ học tiếng Anh.
Ông Man Đăng Mỹ, Phó trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT), cho biết: Đây là năm đầu tiên tiểu học triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nên chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ giáo viên, cán bộ quản lý. Tuy nhiên, hiện tại một số giáo viên vẫn theo lối cũ, phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa, sách giáo viên. Giáo án còn thiết kế nặng nề kiến thức, ít tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động, kỹ năng sống, chưa chú ý đến nhu cầu phát triển năng lực và phẩm chất, tính chủ động của học sinh... Ngoài ra, ở tiểu học, chương trình giáo dục địa phương được tích hợp vào hoạt động trải nghiệm và các môn học, hoạt động giáo dục. Qua đó, năm 2020 - 2021 của giáo dục tiểu học sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn, kiểm tra để triển khai tốt chương trình ở lớp 1 và chuẩn bị cho những lớp tiếp theo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn), chia sẻ: Chúng tôi xác định năm học 2020 - 2021 là năm quan trọng, nền tảng của Chương trình Giáo dục phổ thông mới để năm học 2021 - 2022 trường triển khai tốt chương trình cho lớp 6. Do vậy, năm học này, toàn thể giáo viên, học sinh của trường không chỉ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu dạy tốt học tốt mà còn dần dần chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình mới.
Bổ sung giáo viên
Sau thời gian triển khai phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, UBND tỉnh có kế hoạch phát triển mầm non giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, ngoài trẻ mẫu giáo ra lớp, tỉnh còn tập trung vận động trẻ độ tuổi nhà trẻ ra lớp. Bà Lương Thị Xuân Tâm, Phó trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT), cho biết: Năm nay là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch này, nên các trường còn lúng túng. Do vậy, chúng tôi tập trung truyền thông, hướng dẫn nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư xây dựng trường mầm non, giảm dần trường mẫu giáo nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến lớp, phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã, phường, thị trấn có trường mầm non và huy động 35% trẻ nhà trẻ ra lớp. Đồng thời, chúng tôi cố gắng tham mưu, thực hiện kế hoạch thu hút giáo viên đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, không để kéo dài tình trạng hợp đồng giáo viên nhiều năm và thiếu giáo viên mầm non trong khi vẫn còn biên chế, chỉ tiêu tuyển dụng.
Bên cạnh đó, ngày 1.7.2020, Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, ngành Giáo dục tỉnh tập trung thực hiện công tác tuyển dụng đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ và đúng theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo luật định. Theo đó, giáo viên mầm non khi tuyển dụng phải đạt trình độ cao đẳng trở lên, giáo viên tiểu học, THCS đạt trình độ đại học trở lên.
Ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay: Năm học 2020 - 2021, ngoài công tác chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngành Giáo dục tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên gắn với việc đảm bảo các quy định về định mức số lượng, tiêu chuẩn; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý theo lộ trình Chương trình Giáo dục phổ thông mới…
ĐỖ THẢO