Ngăn chặn tình trạng vi phạm luật lâm nghiệp: Sâu sát, kịp thời, không để phát sinh điểm nóng
Ðể nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 6095/UBND-KT chỉ đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh, chính quyền các địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số địa phương trong thời gian qua.
Xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) có hơn 100 ha diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch chức năng phòng hộ được giao cho xã quản lý, song các hộ dân ở xã Song An, TX An Khê (tỉnh Gia Lai) lấn chiếm trong nhiều năm để trồng keo. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Tây Sơn phối hợp UBND TX An Khê vận động người dân ký cam kết phải khai thác trắng diện tích rừng trồng nêu trên, giao trả đất lấn chiếm cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn quản lý. Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn, cho biết: “Đến nay, một số hộ dân ở xã Song An đã khai thác keo, trả lại mặt bằng cho đơn vị trồng rừng phòng hộ hỗn giao cây keo lai và lim xanh. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với xã bạn để vận động người dân giao trả lại đất sau khi khai thác keo; đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra bảo vệ rừng để kịp thời xử lý tình trạng người dân tái lấn chiếm đất lâm nghiệp”.
Diện tích đất lâm nghiệp do người dân xã Song An (TX An Khê, Gia Lai) lấn chiếm đã được giao trả cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn trồng rừng phòng hộ hỗn giao cây keo lai và lim xanh.
Xã An Hưng (huyện An Lão) hiện có 37,3 ha đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý, nhưng bị người dân lấn chiếm để trồng keo trái pháp luật từ năm 2015 đến nay. Huyện An Lão đã báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương xử lý diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tịch thu tài sản là cây keo lai trồng trái phép tại địa phương này.
Ông Phạm Văn Nam, Bí thư Huyện ủy An Lão, cho hay: “Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, huyện sẽ triển khai xử lý ngay diện tích rừng trồng vi phạm. Huyện ủy cũng đã chỉ đạo Đảng ủy, chính quyền các địa phương nâng cao vai trò lãnh đạo, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước ở cơ sở trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Về lâu dài, huyện sẽ quy hoạch lại đất lâm nghiệp để giao đất, giao rừng cho người dân sản xuất, nhằm hạn chế tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp”.
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), 9 tháng đầu năm nay, cả tỉnh xảy ra 22 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích gần 6,4 ha. Ngành Kiểm lâm đã xử lý 13 vụ, còn lại 9 vụ đang điều tra, truy tìm đối tượng để xử lý. Đồng thời, đã xử lý 9/19 vụ khai thác rừng trái pháp luật; tổ chức phá bỏ gần 88,8 ha cây trồng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật.
Theo Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng, khi lấn chiếm đất lâm nghiệp người dân chủ yếu hướng vào mục tiêu trồng cây, trồng rừng do vậy việc xử lý tương đối thuận lợi. Cái khó là do chính quyền địa phương, ngành chức năng thiếu sâu sát địa bàn nên không phát hiện kịp thời, dẫn đến khó xử lý dứt điểm. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan, các địa phương thống kê các trường hợp vi phạm để xử lý. Đồng thời, lập lại quy hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp để giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân theo quy định.
Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thị Tố Trân cho biết: Sở chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường tuần tra, truy quét bảo vệ rừng; nhất là tại các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, không để xảy ra điểm nóng, nổi cộm về phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Phối hợp chặt chẽ CA điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Tập trung triển khai các chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng, nông nghiệp nông thôn, nhằm góp phần tạo sinh kế của người dân sống gần rừng, giảm áp lực khai thác trái phép tài nguyên rừng…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN