24 hành tinh có thể phù hợp với sự sống hơn Trái Đất
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Washington xác định hàng chục hành tinh ngoài hệ Mặt Trời có điều kiện lý tưởng hơn hành tinh của chúng ta.
Các nhà nghiên cứu cho rằng hành tinh "siêu phù hợp với sự sống" cần lớn hơn một chút so với Trái Đất. Ảnh: India Today.
Giáo sư Dirk Schulze-Makuch ở Đại học Washington, Mỹ, và cộng sự công bố nghiên cứu mới trên tạp chí Astrobiology mô tả chi tiết đặc điểm của những hành tinh "siêu phù hợp với sự sống" tiềm năng, bao gồm độ tuổi lớn hơn, kích thước to hơn đôi chút, ấm và ẩm ướt hơn Trái Đất. Sự sống cũng có thể phát triển dễ dàng hơn trên các hành tinh quay quanh ngôi biến đổi chậm hơn và có vòng đời dài hơn Mặt Trời.
Tất cả 24 hành tinh tiềm năng trong danh sách "siêu phù hợp với sự sống" đều ở cách Trái Đất hơn 100 năm ánh sáng. Theo Schulze-Makuch, nghiên cứu có thể góp phần định hướng cho các quan sát trong tương lai, như Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA, đài quan sát vũ trụ LUVIOR và kính viễn vọng không gian PLATO của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
"Với thế hệ kính viễn vọng không gian tiếp theo, chúng ta sẽ có nhiều thông tin hơn, vì vậy, việc lựa chọn một số mục tiêu rất quan trọng", Schulze-Makuch cho biết. "Chúng ta cần phải tập trung vào hành tinh có những điều kiện hứa hẹn nhất cho dạng sống phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn thận không quá chăm chú tìm kiếm Trái Đất thứ hai bởi có thể tồn tại những hành tinh phù hợp với sự sống hơn hành tinh của chúng ta".
Trong nghiên cứu, Schulze-Makuch, nhà địa sinh học chuyên nghiên cứu khả năng sinh sống trên hành tinh khác, hợp tác với nhà thiên văn học Rene Heller ở Viện nghiên cứu hệ Mặt Trời Max Planck và Edward Guinan ở Đại học Villanova University để xác định các tiêu chí siêu phù hợp với sự sống và tìm kiếm trong số 4.500 ngoại hành tinh đã biết để lựa chọn mục tiêu tiềm năng.
Nhóm nghiên cứu lựa chọn những hệ sao - hành tinh bao gồm hành tinh đất quay quanh vùng ở được có thể tồn tại nước lỏng quanh ngôi sao chủ từ kho dữ liệu Kepler Object of Interest Exoplanet Archive về ngoại hành tinh chuyển tiếp. Mặt Trời là trung tâm hệ sao của chúng ta nhưng có vòng đời tương đối ngắn, chưa đến 10 tỷ năm. Do thời gian trước khi bất kỳ dạng sống phức tạp nào xuất hiện trên Trái Đất là gần 4 tỷ năm, nhiều ngôi sao tương tự Mặt Trời gọi là sao G có thể cạn kiệt nhiên liệu khi dạng sống phức tạp có thể phát triển.
Ngoài xem xét các hệ sao G mát hơn, nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra những hệ sao lùn K, loại sao mát, khối lượng nhỏ và không sáng bằng Mặt Trời. Sao K có lợi thế vòng đời dài từ 20 đến 70 tỷ năm. Điều này sẽ cho phép hành tinh quay xung quanh chúng đủ cổ xưa, cho phép sự sống có nhiều thời gian hơn để tiến hóa phức tạp như trên Trái Đất ngày nay. Tuy nhiên, để ở được, hành tinh không nên quá "già" tới mức cạn kiệt địa nhiệt và thiếu địa từ trường bảo vệ. Trái Đất khoảng 4,5 tỷ năm tuổi, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng hành tinh khoảng 5 - 8 tỷ năm tuổi là phù hợp nhất cho sự sống.
Kích thước và khối lượng cũng đóng vai trò quan trọng. Hành tinh lớn hơn Trái Đất 10% sẽ có nhiều đất đai ở được hơn. Hành tinh có khối lượng gấp khoảng 1,5 lần Trái Đất có thể duy trì nhiệt lượng trong lõi thông qua quá trình phân rã phóng xạ lâu hơn, đồng thời có từ trường mạnh hơn để duy trì khí quyển trong thời gian dài.
Nước cũng là điều kiện chủ chốt với sự sống. Nhóm tác giả nghiên cứu kết luận việc tồn tại nhiều nước hơn sẽ giúp ích cho sự sống, đặc biệt ở dạng mây và độ ẩm. Nhiệt độ bề mặt ấm hơn trên Trái Đất khoảng 5 độ C cùng với độ ẩm lớn hơn sẽ cung cấp môi trường lý tưởng để sự sống tồn tại. Trong số 24 hành tinh tiềm năng, không có hành tinh nào đáp ứng tất cả tiêu chí "siêu phù hợp với sự sống", nhưng một hành tinh có 4 trong số những tiêu chí quan trọng, do đó có thể thích hợp cho sự sống hơn Trái Đất.
Theo An Khang (VnExpress/Phys.org)