Điện Mặt Trời mái nhà phát triển mạnh ở các tỉnh phía Nam
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay, công suất phát triển điện Mặt Trời mái nhà ở phía Nam chiếm trên 60% tổng suất điện Mặt Trời mái nhà của Tập đoàn (1.142MWp).
Nhiều công ty thành viên thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) vượt 100% kế hoạch cả năm 2020 về phát triển điện Mặt Trời mái nhà.
Các công trình điện Mặt Trời mái nhà. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Từ đầu năm đến nay, EVNSPC đã phát triển 15.579 khách hàng, với tổng công suất tấm pin lắp đặt là trên 572 triệu kWp, vượt 63% kế hoạch của cả năm 2020 (350MWp). Riêng tháng Chín vừa qua, EVNSPC đã ký biên bản lắp đặt côngtơ 2 chiều với 3.231 khách hàng, tổng công suất tấm pin lắp đặt là 157 triệu kWp.
Sản lượng điện khách hàng phát lên lưới trong tháng Chín vừa qua là 55,3 triệu kWh, lũy kế từ đầu năm đến nay là 250,7 triệu kWh. Trong 9 tháng qua, Tổng công ty đã thanh toán cho khách hàng hơn 360 tỷ đồng với sản lượng tương ứng là 171,6 triệu kWh.
Đặc biệt, so với kế hoạch được giao, nhiều công ty điện lực thành viên thuộc Tổng công ty đã thực hiện vượt 100% kế hoạch tổng công ty giao như Bình Phước (255%), Lâm Đồng (132%), Bình Dương (186%), Long An (118%), Đồng Tháp (118%), An Giang (117%), Cà Mau (101%), Bạc Liêu (124%), Hậu Giang (123%)…
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc EVNSPC, cho biết tính đến hết tháng Chín năm nay, toàn hệ thống của EVNSPC có 3.426MWp năng lượng Mặt Trời vận hành trên lưới; trong đó, có 54 dự án điện Mặt Trời nối lưới với công suất 2.674MWp trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh, Long An, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Ninh Thuận, tăng 90MWp so với tháng Tám vừa qua.
Có gần 26.192 khách hàng lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời trên mái nhà với công suất 752MWp, chiếm trên 60% tổng công suất năng lượng Mặt Trời mái nhà toàn EVN.
“Hiện một lượng khách hàng lớn của EVNSPC đang tham gia đầu tư điện Mặt Trời mái nhà là các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp. Chúng tôi đã thực hiện tuyên truyền cho doanh nghiệp thấy được các lợi ích của việc sử dụng điện Mặt Trời mái nhà, từ đó lắp đặt và sử dụng.
Điều khá tự hào là từ một khái niệm còn mơ hồ, đến nay, điện Mặt Trời mái nhà đã trở nên quen thuộc trong đời sống người dân, mang lại lợi ích kép khi vừa giúp tiết kiệm tiền điện, bảo vệ môi trường, vừa giúp giảm áp lực lên lưới điện quốc gia,” ông Lý chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch điện Mặt Trời điện Mặt Trời và điện gió. Khu vực phía Nam có nhiều lợi thế để phát triển điện Mặt Trời, đây là cơ hội lớn đã và đang thu hút các nhà đầu.
Khu vực phía Nam là có những thuận lợi về mặt tự nhiên với cường độ bức xạ Mặt Trời khá cao so với trung bình cả nước. Đặc biệt, từ Ninh Thuận trở vào, nguồn năng lượng Mặt Trời rất tốt và phân phố tương đối điều hòa cả năm, trừ những ngày mưa gió, 90% số ngày trong năm đều có thể sử dụng năng lượng Mặt Trời.
Với lợi thế về khí hậu, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng Mặt Trời với trung bình 1.600-2.700 giờ nắng trong năm và bức xạ trung bình từ 4-5 kWh/kWp mỗi ngày. Vì vậy, toàn khu vực phía Nam đã có những bước phát triển mạnh về lắp đặt điện Mặt Trời mái nhà trong thời gian qua.
Riêng đối với các hộ gia đình, EVNSPC hỗ trợ khách hàng tham gia lắp đặt điện Mặt Trời mái nhà như: giới thiệu tìm hiểu công nghệ an toàn, tốt để nhà đầu tư tham khảo có lựa chọn hiệu quả.
Hiện các công ty điện lực địa phương sẵn sàng lắp đặt miễn phí côngtơ hai chiều đo đếm điện năng, ký kết hợp đồng mua lượng điện dư từ hệ thống điện Mặt Trời mái nhà của hộ dân và doanh nghiệp phát lên lưới điện; thực hiện miễn phí các hồ sơ liên quan việc đấu nối vào lưới điện…
Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)