8 hiệp hội đề xuất giảm phí công đoàn
8 hiệp hội, ngành hàng vừa kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giảm kinh phí công đoàn xuống tối đa 1% thay vì mức 2% như hiện tại.
Đề xuất trên vừa được 8 hiệp hội, ngành hàng gồm dệt may, da giày túi xách, chế biến và xuất khẩu thủy sản, điện tử, lương thực - thực phẩm, chè, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, các bộ ngành.
Đề nghị giảm phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động được đưa ra với lập luận cho rằng hiện không có sự đồng nhất giữa Luật Ngân sách nhà nước và Luật Công đoàn về kinh phí hoạt động của Tổng Liên đoàn. Tổng Liên đoàn là tổ chức chính trị - xã hội, do vậy, kinh phí hoạt động của hệ thống công đoàn thuộc trách nhiệm của ngân sách nhà nước. Trong khi đó, người sử dụng lao động đang phải đóng kinh phí công đoàn theo Luật Công đoàn. Các hiệp hội nhận định, ngay từ tên gọi, người sử dụng lao động không có trách nhiệm với khoản thu này.
Theo các quy định hiện hành, việc thu và quy định mức thu phí công đoàn chỉ áp dụng và ràng buộc với thành viên của tổ chức đó, không áp dụng với các chủ thể nằm ngoài.
Công nhân một doanh nghiệp dệt may tại TP HCM sản xuất áo sơ mi xuất khẩu. Ảnh: Quỳnh Trần.
Ngoài ra, các hiệp hội nhìn nhận, thông qua phí công đoàn, doanh nghiệp đang chịu thuế hai lần khi doanh nghiệp đã gián tiếp đóng kinh phí công đoàn thông qua ngân sách khi đóng thuế. Việc trích nộp thêm 2% kinh phí công đoàn đồng nghĩa đóng thêm 2% thuế trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, các hiệp hội nhận xét, tỷ lệ nộp kinh phí công đoàn phải dựa trên điều kiện kinh tế xã hội, sự thay đổi của cơ sở tính quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội qua thời gian.
Hiện mức lương tối thiểu vùng, quy mô lao động tại các doanh nghiệp đều tăng, khiến quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm trở nên rất lớn. Quỹ này dự báo tiếp tục phình to khi lương tối thiểu còn tăng trong các năm tới.
Với các lập luận này, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, Luật Công đoàn cần sửa đổi và quy định mức nộp kinh phí tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Chính phủ có quyền quyết định tỷ lệ đóng này theo từng thời kỳ, tùy theo tình hình kinh tế xã hội. Cách thức quy định này đã từng được áp dụng trong một số luật, ví dụ quy định về tỉ lệ đóng bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.
Chia sẻ với VnExpress sáng 7.10, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn cho biết đã nắm được đề xuất của 8 hiệp hội doanh nghiệp. Nhưng ông cho biết, Tổng liên đoàn vẫn muốn giữ lại quy định với mức đóng kinh phí công đoàn là 2% quỹ tiền lương bởi đây là quy định được Quốc hội thảo luận rất kỹ khi nghiên cứu và thông qua Luật Công đoàn năm 2012. Phần kinh phí này là nguồn thu chủ yếu cho các cấp công đoàn hoạt động, thực hiện tốt chức năng của tổ chức và chăm lo cho người lao động.
Quan điểm này trước đó đã được Tổng liên đoàn thể hiện rõ trong dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, bổ sung có thể được Quốc hội nghiên cứu vào kỳ họp cuối tháng 10. "Quy định nào có tính ổn định và phát huy trong thực tiễn cuộc sống thì nên được giữ lại. Nhưng trong tổ chức thực hiện thì phải công khai, minh bạch và sử dụng có hiệu quả hơn", ông Quảng nói.
Hiện Tổng Liên đoàn đã đề xuất tạm hoãn thu khoản phí công đoàn vì Covid-19, nhưng các doanh nghiệp cho biết, điều kiện để được tạm hoãn rất khắt khe nên họ không tiếp cận được.
Mặt khác, theo các hiệp hội, các cấp công đoàn không sử dụng hết số tiền thu được từ mức thu 2%. Báo cáo của Kiểm toàn Nhà nước năm 2019 chỉ ra, tổng thu tài chính công đoàn 2013-2019 là 100.354 tỷ đồng, trung bình mỗi năm tăng 12%. So với năm 2012, tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 tăng 2,3 lần, trong đó, kinh phí công đoàn tăng 2,57 lần, đoàn phí tăng 2,26 lần, thu khác tăng 1,24 lần.
Doanh nghiệp cũng đề xuất, nếu Quốc hội quyết định tiếp tục thu kinh phí công đoàn từ người sử dụng lao động, khoản tiền này sẽ không nhằm phục vụ cho hoạt động của các cơ quan trong hệ thống công đoàn đã được ngân sách nhà nước cấp kinh phí. Toàn bộ số tiền sẽ phục vụ cho việc chăm lo đời sống của người lao động. Tên gọi khoản phí này cũng cần đổi tên thành tiền chăm lo cho lợi ích của người lao động, do Nhà nước quản lý, thay vì Tổng Liên đoàn giữ. Điều này nhằm tách biện hẳn khoản tiền này ra khỏi các chi phí hoạt động của Tổng Liên đoàn.
Về kiến nghị đổi tên kinh phí công đoàn thành tiền chăm lo cho người lao động và chuyển Nhà nước quản lý, đại diện Tổng liên đoàn - ông Lê Đình Quảng cho rằng việc trên sẽ phát sinh một bộ máy quản lý số tiền này, "chắc chắn không phù hợp với cơ chế cải cách hiện nay". Theo ông Quảng, kinh phí công đoàn vẫn nên do Tổng liên đoàn quản lý. Số tiền này chủ yếu giao cho công đoàn cơ sở sử dụng, nhưng quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội.
Trước đó, ngày 15.9, các hiệp hội doanh nghiệp cho biết chưa nhận được thông tin về dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, bổ sung. Họ đề nghị được đóng góp ý kiến mà chỉ biết thông tin qua truyền thông. Là đối tượng chịu tác động lớn của Luật, doanh nghiệp bày tỏ mong muốn đóng góp cho dự thảo này.
Theo Phương Ánh - Hoàng Phương (VnExpress)