CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO:
Chặt chẽ, đúng quy định pháp luật
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định pháp luật về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ đó, góp phần ổn định xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH.
Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong ảnh: Các ban, ngành chức năng huyện Tuy Phước tiếp công dân định kỳ.
Nghiêm túc, hiệu quả
Thời gian qua, Ban Tiếp công dân các cấp trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014 của Chính phủ (Quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân). Hoạt động tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành của tỉnh định kỳ 1 ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp công dân định kỳ 2 ngày/tháng; Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân định kỳ 1 ngày/tuần. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định pháp luật.
Theo thống kê của ngành chức năng, từ ngày 16.8.2019 đến ngày 15.8.2020, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 4.040 lượt/5.335 người đến trụ sở tiếp công dân và các cơ quan nhà nước trực tiếp trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó, các nội dung chủ yếu liên quan việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai…
Qua tiếp công dân, các địa phương, các cấp, các ngành hướng dẫn người dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, giải thích, thuyết phục người dân chấp hành quyết định giải quyết đã có hiệu lực của cấp thẩm quyền.
Theo ông Nguyễn Đình Thuận - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, địa phương gắn việc tiếp công dân với tuyên truyền, giải thích, vận động người dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan thanh tra theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Nhờ đó, góp phần hạn chế tình trạng hướng dẫn, chuyển đơn lòng vòng; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; giải quyết chậm trễ đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền.
Chặt chẽ, đúng pháp luật
Theo Thanh tra tỉnh, từ ngày 16.8.2019 đến ngày 15.8.2020, các cấp, các ngành đã tiếp nhận, xử lý 3.211 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đủ điều kiện; gồm 2.051 đơn khiếu nại, 310 đơn tố cáo và 850 đơn kiến nghị, phản ánh. Trong đó, có 655 đơn khiếu nại và 58 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Đến nay, trong 655 vụ khiếu nại thuộc thẩm quyền, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã xem xét, giải quyết 594/655 vụ (đạt tỷ lệ hơn 90,6%). Đã tổ chức thi hành 531/594 quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Qua đó, kiến nghị khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân trên 2,5 tỷ đồng và 1.988 m2 đất các loại; kiến nghị thu hồi 11.266 m2 đất các loại cho nhà nước.
Đối với 58 vụ tố cáo thuộc thẩm quyền, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã xem xét, giải quyết 53/58 vụ (đạt tỷ lệ hơn 91,3%). Đã tổ chức thi hành 51/53 quyết định xử lý về tố cáo có hiệu lực pháp luật. Qua giải quyết tố cáo, các cấp, các ngành chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh công tác quản lý tại những cơ quan, đơn vị phát sinh đơn thư tố cáo; kiến nghị thu hồi về cho ngân sách nhà nước 194 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thơm - Chánh Thanh tra tỉnh, nhìn nhận: “Việc thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền đảm bảo đúng trình tự, thủ tục; công tác kiểm tra, xác minh đơn khiếu nại, tố cáo được thực hiện công khai, minh bạch”.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, việc tổ chức tiếp công dân đã gắn với yêu cầu kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân. Quá trình giải quyết đã chú trọng thực hiện tốt việc tổ chức đối thoại với người dân; vận dụng linh hoạt, phù hợp các chính sách, pháp luật để đảm bảo giải quyết dứt điểm vụ việc. Qua đó, góp phần ổn định trật tự xã hội; tạo điều kiện thuận lợi thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.
VĂN LỰC