Miền Trung: Mưa lớn, nhiều nơi bị chia cắt trong đêm, nước thượng nguồn tiếp tục đổ về
Mưa lớn 2 ngày qua khiến nhiều nơi bị ngập lụt chia cắt cục bộ, một số tuyến đường miền núi sạt lở, ách tắc giao thông. Mưa lũ đã làm 3 người chết, 3 người mất tích ở các tỉnh miền Trung.
Mưa lớn 2 ngày qua khiến nhiều nơi bị ngập lụt chia cắt cục bộ, một số tuyến đường miền núi sạt lở, ách tắc giao thông. Mưa lũ đã làm 3 người chết, 3 người mất tích. Sáng nay, học sinh các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế được nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Mưa lũ tại tỉnh Quảng Trị đã làm 1 người chết và 3 người mất tích.
Cụ thể, 2 người ở huyện Hướng Hóa khi chèo đò qua con suối gần hồ thủy điện Rào Quán đi làm rẫy, gặp mưa lớn, nước chảy xiết, làm lật đò, nạn nhân bị nước cuốn trôi mất tích. Một người khác cũng ở huyện Hướng Hóa mất tích vào khoảng 20 giờ tối qua (7.10) khi đang trên đường về nhà thì bị nước cuốn trôi. Một em nhỏ 3 tuổi ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng đang chơi tại sân nhà sát bờ sông Ô Lâu trượt chân bị nước cuốn trôi đã tìm thấy thi thể.
Nước sông lên nhanh, các điểm tràn bị ngập sâu, gây chia cắt nhiều khu vực trên địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 9 qua huyện Đakrông bị tắc nghẽn vì sạt lở.
Tại thị trấn Lao Bảo, rất nhiều nhà dân chìm sâu từ 1m đến 1,5m. Ngay trong tối qua và rạng sáng nay, huyện Hướng Hóa đã triển khai di dời dân tại các vùng thấp trũng, khu vực sạt lở và các hộ dân sống gần sông Sê Pôn đến nơi an toàn.
Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, từ hôm qua đến sáng nay, toàn huyện đã di dời gần 1.100 hộ dân với hơn 4.500 nhân khẩu ở 7 xã đến nơi an toàn.
“Tối qua mưa to, tại khu vực thị trấn Lao Bảo hiện nay đang ngập. Nước sông Sê Pôn có rút nhưng rút chậm, bây giờ mưa to sợ nước sẽ lên lại. Huyện chỉ đạo cho các xã vận động bà con di dời thì ở yên tại vị trí đã tổ chức di dời đến. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có mất tích 3 người. Học sinh hôm nay đã được nghỉ học. Còn lại đường giao thông thì bị sạt lở trên tuyến từ xã Hướng Tân đi xã Hướng Linh giao thông ách tắc, đang cho kiểm tra để lên phương án thông đường tạo điều kiện cho bà con lưu thông trở lại”, ông Thuận nói.
Học sinh toàn tỉnh Thừa Thiên Huế được nghỉ học để tránh lũ
Mưa lớn đã gây ngập lụt tại các xã vùng trũng các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang và thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong sáng nay, học sinh toàn tỉnh Thừa Thiên Huế được nghỉ học để tránh lũ. Quốc Lộ 49 nối huyện miền núi A Lưới với TP Huế bị sạt lở nghiêm trọng chia cắt toàn bộ huyện này.
Anh Hồ Ngọc Ga, ở thôn 2, làng Vân Dương, phường Xuân Phú, TP Huế cho biết: “Hiện tại khu vực nhà tôi ngập từ 0,5 đến 0,8m những đường lối xóm thì chỉ có thể lội nước hoặc đi ghe nhỏ chứ không thể đi xe máy được. Hiện tại bà con đang sẵn sàng đối phó với lũ, đặc biệt là chuẩn bị ghe đò để vận chuyển người già và trẻ con đến những nới cao hơn để tránh lũ”.
Đà Nẵng, Quảng Nam gồng mình chống “giặc nước”
Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lớn khiến nhiều đoạn trên tuyến ĐT 609 nối từ xã Đại Đồng lên các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn, huyện Đại Lộc bị ngập sâu, gây chia cắt.
Ông Hà Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết: Người dân chủ động di dời đồ đạc lên cao để hạn chế thiệt hại do mưa lũ.
“Đến thời điểm này xã Đại Hưng ngập khoảng 30%. Vì nước còn ngập trên đường nên chưa khảo sát được. Đến nay tình hình cơ bản ổn định, trong sáng nay (8.10), chúng tôi tiếp tục chỉ đạo lực lượng báo cáo về cơ quan để tổng hợp. Nước lũ xuống rất chậm và hiện nay trời cũng đang còn mưa. Việc di dời người dân đến nơi an toàn đã thực hiện trước rồi”, ông Minh cho hay.
Sáng nay (8.10), Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có Công điện yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất; triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, thực hiện nghiêm các nội dung biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đã cho học sinh các trường trên địa bàn huyện Hòa Vang nghỉ học từ sáng nay. Các trường trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ nghỉ học từ trưa nay; Tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ để chủ động cho học sinh nghỉ học trong những ngày tiếp theo; Rà soát, kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống ngã đổ cây xanh trong trường học.
Cảnh báo nước lũ về nhanh tại các hồ, đập
Đêm qua đến sáng nay, trên mạng xã hội lan truyền văn bản của Thủy điện Sông Tranh 3 báo cáo điều tiết nước về hạ du, gây hoang trong mang dư luận. Thực tế tại tỉnh Quảng Nam có 2 thủy điện cùng tên Sông Tranh.
Trong đó, Thủy điện Sông Tranh 3 là công trình thủy điện rất nhỏ trên nhánh sông Trường - Nước Oa, là thủy điện bậc thang, không có hồ chứa nên nước chảy tự do qua tổ máy chứ không phải xả lũ. Còn thủy điện lớn có ảnh hưởng đến hạ du nhiều là Thủy điện Sông Tranh 2.
Lãnh đạo Công ty Thủy điện Sông Tranh, chủ đầu tư Thủy điện Sông Tranh 2 cho biết: Hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 có dung tích chứa 720 triệu m3 nước, đến trưa nay, hồ chứa Sông Tranh 2 mới chứa được hơn 320 triệu m3. Vì vậy, còn có thể chứa hơn 400 triệu m3 nước nữa, nên Thủy điện Sông Tranh 2 chưa xả nước điều tiết lũ.
Ông Nguyễn Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết: Hiện, nước trên hồ thủy điện Sông Tranh 2 vừa qua mực nước chết, còn 25m nước nữa mới đến mực nước dâng bình thường.
"Đối với quy mô đợt lũ này về không lớn nên toàn bộ nước về đều được tích vào hồ thủy điện Sông Tranh. Trong 2 ngày qua, mực nước từ cao trình mực nước chết 140m lên xấp xỉ 150m, cách mực nước dâng bình thường 25m nữa. Thiết bị cũng như hồ đập cũng đều được kiểm tra, đảm bảo an toàn vận hành trong mùa mưa lũ. Tất cả các vấn đề đều được báo cáo đúng theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa".
Theo PV/VOV