Phong trào xây dựng gia đình văn hóa:
Điểm sáng Nhơn Mỹ
Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa - một mũi nhọn của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn bề sâu. Ở thị xã An Nhơn, xã Nhơn Mỹ đang trở thành một điểm sáng của phong trào nhờ cán bộ, nhân dân toàn xã đồng lòng ra sức nuôi dưỡng để phong trào “sống khỏe, sống tốt”.
Ông Trần Văn Tài, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nhơn Mỹ, cho biết: “Ban chỉ đạo cuộc vận động của xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể từng giai đoạn, phân công trách nhiệm cho các thành viên chịu trách nhiệm vận động hội viên và đứng chân địa bàn. Các ban vận động, tổ đoàn kết ở khu dân cư kiên trì vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa”.
Bằng sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực của các gia đình, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã đóng góp to lớn vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình trong giai đoạn hiện nay. Việc bình xét, công nhận gia đình văn hóa công khai, dân chủ, đảm bảo nội dung tiêu chí đã quy định nên có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ phong trào. Số lượng gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa” ngày càng tăng, chất lượng cũng được nâng lên.
Năm 2012, Nhơn Mỹ có 2.704 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt hơn 93% số hộ trong toàn xã. Kết quả đánh giá, phân loại hơn 2.680 hộ đạt gia đình văn hóa, qua đó 7/9 khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa. Nhơn Mỹ trở thành một trong những xã có số hộ đạt gia đình văn hóa cao nhất của An Nhơn.
Kết quả này đã đóng góp vào sự phát triển chung của xã. Từ một xã khó khăn của An Nhơn, đến nay Nhơn Mỹ đã giảm đáng kể hộ nghèo, số hộ giàu tăng dần. 100% số hộ trong xã có điện dùng, phương tiện nghe nhìn. 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, đáng nói năm 2012, toàn xã có hơn 100 học sinh thi đỗ vào các trường từ trung cấp đến đại học…
Nếp sống văn hóa mới dần thấm vào từng nếp nhà, thay thế cho những suy nghĩ lạc hậu, xóa bỏ các tập tục lỗi thời, ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của các yếu tố phản văn hóa. Hiện nay, hầu hết các đám cưới, đám tang trong xã đã thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Nề nếp gia phong trong gia đình được coi trọng, gìn giữ. Nhiều hộ gia đình có 3 - 4 thế hệ cùng sinh sống.
Điều đáng biểu dương ở Nhơn Mỹ là Ban chỉ đạo xã đã biết khéo léo vận dụng, phối kết hợp phong trào xây dựng gia đình văn hóa với xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh. Điều này được thể hiện rõ qua việc vận động, nhắc nhở nhau thực hiện tốt quy ước làng văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự an ninh thôn xóm, đoàn kết tương trợ nhau trong lao động sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hai, một người dân ở xã Nhơn Mỹ, cho biết: “Phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong xã đã góp phần giữ gìn giá trị đạo đức truyền thống trong các gia đình, dòng họ; đồng thời phát triển các phong tục, tập quán tốt đẹp từ xưa, tạo dựng các lễ thức mới. Thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt”.
Không chỉ dừng ở từng gia đình, các gia đình văn hóa ở khu dân cư còn hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Nổi bật là phong trào lập quỹ giúp người nghèo phát triển sản xuất, quỹ giúp người hoạn nạn, xây dựng, sửa chữa nhà tình thương. Từ các nguồn quỹ này, năm qua, Nhơn Mỹ đã đầu tư sửa chữa cho hàng chục nhà hộ nghèo với trị giá hàng trăm triệu đồng. Những mâu thuẫn nội bộ trong dân được giải quyết thông qua hòa giải, thuyết phục thấu tình đạt lý, tạo môi trường hòa thuận trong dòng tộc, làng xóm. Nhân dân đã đóng góp hàng trăm triệu đồng và nhiều ngày công lao động xây dựng, sửa chữa, hiện đại hóa đường làng ngõ xóm, xây dựng các thiết chế văn hóa, nâng cấp trường học, phòng học…
Không chỉ chú trọng đến đời sống tinh thần, Ban chỉ đạo của xã và ban vận động các thôn còn tích cực tham gia vào việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, mùa vụ, cây trồng vật nuôi, mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, nhân rộng điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, động viên nhân dân tự góp vốn, trao đổi kinh nghiệm, truyền nghề cho nhau để phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống của người dân có những chuyển biến tích cực, góp phần từng bước chuyển biến bộ mặt của xã.
THANH TOÀN
(Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Định)