Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Tạo sinh kế, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng
Từ năm 2013 đến nay, với việc tích cực thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỉnh ta đã tạo sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR - Sở NN&PTNT), trung bình mỗi năm, với số tiền 7 tỷ đồng thu từ nguồn điều phối của Quỹ BV&PTR Trung ương cùng nguồn thu nội tỉnh (thu từ các nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất, cơ sở cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh), tỉnh ta đã chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; các công ty lâm nghiệp; người dân để quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) với tổng diện tích khoán bảo vệ hơn 170 nghìn héc ta rừng.
Người dân xã An Toàn có thu nhập ổn định cuộc sống từ khoán BVR, khoanh nuôi tái sinh mây rừng.
Ông Ngô Thanh Hoàng Song, Giám đốc Quỹ BV&PTR Bình Định, giải thích: “Quỹ có nhiệm vụ chi trả DVMTR và chi tiền trồng rừng thay thế. Trên cơ sở nguồn thu, chúng tôi chi trả cho các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, công ty lâm nghiệp để QLBVR và trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Riêng mức chi trả DVMTR được tính theo diện tích rừng tại các lưu vực thủy điện cung ứng, nên chủ rừng nào có diện tích rừng đang quản lý nằm tại các lưu vực cung ứng thì được hưởng nhiều hơn”.
Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão) hiện quản lý hơn 26.000 ha rừng nguyên sinh. Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, riêng tiền DVMTR mỗi năm Ban được hưởng 700 triệu đồng. Ban dùng tiền này để tổ chức tuần tra, khoán cho 210 hộ dân xã An Toàn bảo vệ 7.000 ha rừng với mức khoán 400 nghìn đồng/ha/hộ/năm. Nhờ đó, giúp đồng bào ở địa phương có thêm thu nhập từ việc giữ rừng, góp phần hạn chế tình trạng xâm hại rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Để thực chứng việc sử dụng tiền từ nguồn DVMTR, tôi đã lên tận khu vực khoanh nuôi tái sinh cây mây rừng ở xã An Toàn, huyện An Lão. Ông Đinh Văn Lý, già làng thôn 2, vui vẻ: “Ngoài thu nhập từ nhận khoán BVR, 85 hộ dân trong thôn còn được huyện khoán khoanh nuôi tái sinh 50 ha cây mây rừng với mức 2 triệu đồng/ha/hộ/5 năm, đến chu kỳ thì bà con được khai thác cây mây. Chúng tôi rất phấn khởi vì có việc làm, ổn định cuộc sống”.
Từ tháng 1.2019 - 9.2020, Quỹ BV&PTR tỉnh thu hơn 10,5 tỷ đồng tiền DVMTR; đến nay, đã chi trả hơn 3,6 tỷ đồng. Ðồng thời, thu hơn 10,2 tỷ đồng (tiền trồng rừng thay thế và lũy kế tiền DVMTR) và chi trả tiền hơn 9 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế trong năm 2019, 2020.
Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh hiện quản lý 32.000 ha rừng phòng hộ. Từ khoảng 1 tỷ đồng tiền DVMTR, mỗi năm Ban khoán cho 106 hộ dân ở 8 xã, thị trấn bảo vệ hơn 21.500 ha rừng phòng hộ. Ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ngoài chính sách chi trả DVMTR, đơn vị còn khoán cho người dân BVR theo chính sách từ Chương trình 30a của Chính phủ, chương trình BV&PTR theo mô hình khoán diện tích rừng cho cộng đồng dân cư QLBVR để phát huy hiệu quả”.
Mặc dù đến nay nguồn thu DVMTR tại tỉnh ta còn thấp, nhưng việc thực hiện tốt chính sách này đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác QLBVR, góp phần tăng độ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2019 đạt 55,20%.
“Để tăng nguồn thu, ngày 16.9, UBND tỉnh ra Quyết định bổ sung thêm 27 DN sản xuất công nghiệp có sử dụng trực tiếp nguồn nước ngầm và nước mặt phải chi trả tiền DVMTR với tổng số tiền phải chi trả thông qua Quỹ BV&PTR tỉnh là hơn 156,7 triệu đồng/năm. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Kiểm lâm để cập nhật theo dõi diễn biến rừng, xây dựng bản đồ xác định diện tích chi trả DVMTR. Đồng thời phối hợp Chi nhánh Tập đoàn viễn thông Quân đội - Viettel Bình Định thực hiện hiệu quả hơn việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ứng dụng thanh toán điện tử ViettelPay”, Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Ngô Thanh Hoàng Song, cho biết thêm.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN