Nhơn Hậu trồng sen trên đất lúa
Đầu năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND xã Nhơn Hậu và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX An Nhơn mở lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sen trên vùng đất lúa kém hiệu quả cho 20 nông hộ. Đến tháng 3.2020, triển khai mô hình “Chuyển đổi trồng sen trên vùng đất lúa kém hiệu quả” tại hộ ông Nguyễn Mộng Kha (ở thôn Bắc Thuận, xã Nhơn Hậu) với quy mô 0,5 ha, trồng thử nghiệm gần 1.500 cây sen hồng. Tham gia thực hiện mô hình, gia đình ông Kha được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí giống, 50% tiền vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thị xã còn thường xuyên đến tận hồ sen hỗ trợ.
Ông Nguyễn Mộng Kha đang kiểm tra ruộng sen.
Thực tế cho thấy sen tại mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Từ lúc xuống giống đến khi ra hoa là hơn 2 tháng, tỷ lệ sống đạt hơn 90%, chiều cao cây đạt 165 cm, lá có chiều dài 68 cm, chiều rộng 58 cm. Sản lượng đạt hơn 20.000 bông với đường kính gương sen đạt 12,5 cm, trung bình đạt 30 hạt/gương. Ông Nguyễn Mộng Kha, chia sẻ: “Đất này trước đây tôi trồng lúa, nhưng do hay bị ngập úng nên năng suất đạt thấp, bấp bênh nên tôi bỏ hoang đã 3 năm. Nay đem trồng sen, so với lúa tôi thấy dễ chăm sóc, các bất lợi về môi trường tác động đến sen không đáng kể. Hiện tôi bắt đầu thu hoạch hạt và bông sen, bán với giá 40.000 đồng/kg hạt và 2.000 đồng/bông, hiệu quả kinh tế như vậy cao hơn trồng lúa rất nhiều.
Ông Lê Quang Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, cho biết: “Từ hiệu quả bước đầu của hộ ông Nguyễn Mộng Kha, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân có diện tích đất trũng, thấp sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng sen. Xã sẽ kiến nghị với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND TX An Nhơn có đề án quy hoạch, chính sách khuyến khích chuyển đổi trồng sen”.
Trò chuyện với tôi, ông Phan Long Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX An Nhơn, cho hay: Điểm thấy rõ là cây sen có nhiều ưu điểm, đặc biệt là chỉ sau hơn 2 tháng trồng là đã thu hoạch, đầu tư một lần nhưng có thể thu hoạch rất nhiều lần. Lợi nhuận trực tiếp từ sen có thể lên tới 35 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với trồng lúa ở cùng chân đất. Đây được xem là hướng đi phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương chúng tôi. Mô hình này không những thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phù hợp với định hướng phát triển nông thôn mới gắn với kinh doanh du lịch. Nhưng có lẽ phải chờ đến khi cả vùng cùng trồng sen, địa phương có đầu tư về quảng bá thông tin, làm đường sá thuận tiện lúc đó mới tính tiếp được cho bà con.
NGUYỄN ÐÌNH PHƯƠNG