Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN về cam kết giảm bất bình đẳng
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích giảm nghèo ấn tượng, tuy nhiên xu hướng bất bình đẳng gia tăng đang và sẽ đe dọa quá trình phát triển trong nhiều thập kỷ tới đây.
Theo Báo cáo Chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng (CRII) năm 2020 do tổ chức Oxfam và tổ chức Phát triển tài chính quốc tế (DFI) thực hiện, Việt Nam đạt kết quả nổi bật đứng thứ 2 trong ASEAN và xếp hạng 77 trên tổng số 158 quốc gia.
Đây là chỉ số đo lường đa chiều việc thực thi các chính sách nhằm giảm bất bình đẳng của các quốc gia trên thế giới trong các lĩnh vực bao gồm: dịch vụ công, thuế lũy tiến và các quyền lao động.
Báo cáo nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích giảm nghèo ấn tượng, tuy nhiên xu hướng bất bình đẳng gia tăng đang sẽ đe dọa quá trình phát triển trong nhiều thập kỷ tới đây.
Cụ thể, bất bình đẳng về kinh tế song hành với bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội, tương quan với sự sụt giảm trong dịch chuyển xã hội và việc làm giữa các thế hệ. Do đó, Việt Nam cần cân nhắc việc thực thi các giải pháp để tăng thuế lũy tiến, tăng chi tiêu cho các dịch vụ công; tăng lương cơ bản lên mức lương đủ sống và mở rộng các chính sách an sinh xã hội cho tất cả nhóm lao động; thu hẹp khoảng cách lương giữa các giới; tạo môi trường thể chế với các chính sách công công bằng hơn cũng như tăng cường sự tham gia và phản hồi.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Việt Nam được đánh giá cao với những thành công và chính sách phù hợp nhằm ứng phó với đại dịch. Chính phủ đã rất nhanh chóng có những biện pháp ngăn chặn, xét nghiệm, truy vết và cách ly, cũng như truyền thông đại chúng. Việt Nam cũng đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng đói nghèo và bất bình đẳng do tác động của Covid-19 thông qua việc triển khai gói cứu trợ cho 20 triệu người dễ bị tổn thương và chi trả một khoản trợ cấp trị giá 1,8 triệu đồng/tháng cho người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, tuy rằng quá trình triển khai cần nhanh với thủ tục đơn giản hơn.
Về dịch vụ công, Việt Nam cam kết giảm bất bình đẳng trong lĩnh vực dịch vụ công ở mức trung bình, xếp hạng 89 toàn cầu và xếp thứ 3 trong ASEAN...
Trong lĩnh vực thuế, Việt Nam có những kết quả tích cực khi đứng đầu trong ASEAN đồng thời và thứ 12 trên toàn thế giới. Kết quả này có được chủ yếu do cam kết ngày càng thấp trong lĩnh vực thuế trên toàn thế giới và phương pháp so sánh khiến cho các nước phát triển đạt điểm thấp hơn nhiều so với các nước đang phát triển nếu họ cùng có những thực hành thuế có hại như nhau. Do vậy, báo cáo cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều việc có thể làm để tăng lũy tiến thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) và thuế giá trị gia tăng (VAT) đồng thời tăng thu thuế để tăng mức chi cho các dịch vụ công.
Với chính sách lao động, Việt Nam cam kết ở mức trung bình thấp so với khu vực (xếp thứ 8) và so với toàn thế giới (xếp thứ 119). Điều này là do chính sách hạn chế các tổ chức công đoàn độc lập cùng với một tỷ lệ lớn dân số nằm trong nhóm lao động dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, Việt Nam đã đạt kết quả tương đối khả quan về lương tối thiểu và quyền của phụ nữ.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)