Nên đưa bài chòi cổ vào trường học
Đưa bài chòi dân gian - một loại hình nghệ thuật truyền thống rất đặc trưng của Bình Định - vào chương trình âm nhạc ngoại khóa cho học sinh là góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật bài chòi cổ. Đây cũng là cách làm giàu thêm kiến thức văn hóa truyền thống cho học sinh.
Hội bài chòi dân gian là một thú chơi tao nhã, một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, có diễn xướng. Năm 2010, Sở VH-TT&DL đã phục dựng thành công hội đánh bài chòi cổ dân gian. Từ đó đến nay, hội đánh bài chòi cổ dân gian luôn là điểm cuốn hút vào các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, năm 2012, hội đánh bài chòi cổ dân gian là một trong những nội dung chính tại Ngày hội Văn hóa-thể thao miền biển tỉnh Bình Định lần thứ X, được tổ chức tại huyện Tuy Phước.
Hiện nay, ngoài CLB Bài chòi cổ của Trung tâm Văn hóa tỉnh, các huyện ven biển đã có hàng chục CLB bài chòi dân gian. Nhiều câu bài chòi được sưu tầm có nội dung phong phú, sát thực tế và gần gũi với đời sống nhân dân. Cùng với đó, nhiều anh chị hiệu có giọng hô hay đã lôi cuốn khán giả chú ý đến hội đánh bài chòi. Trong số ấy có rất nhiều em nhỏ đi xem bài chòi từ sớm, có em còn chọn cho mình một thẻ bài, ngồi lên chòi, chăm chú theo dõi để rồi thích thú vỗ tay vui sướng khi tên con bài được xướng lên.
Đã đến lúc bài chòi dân gian, một loại hình âm nhạc dân gian vừa hấp dẫn vừa mang tính giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, cần được đưa vào học đường. Đây sẽ là một môn học mới mẻ, nhưng mang tính nghệ thuật cao, học sinh học theo phương châm học vui - vui học. Vì vậy, tạo cho các em niềm hứng thú với bài chòi là rất cần thiết. Không chỉ giúp các em thư giãn, môn học đặc biệt này sẽ giúp các em có cái nhìn tươi đẹp hơn về cuộc sống qua những lời hô vừa dí dỏm vừa mang tính giáo dục, như các câu trong bài “Cửa chùa’’, “Nhứt trò’’: “Cửa chùa cửa phật tu hành/ Tu nhà cha mẹ sẵn dành cho con’’, ‘“Năm sáu năm đèn sách sử kinh/ Khoa thi đắt đậu nên danh học trò’’...
Thiết nghĩ, đưa âm nhạc dân gian vào giảng dạy trong học đường là một trong những biện pháp hữu hiệu để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hy vọng, rồi đây sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh những anh chị hiệu trẻ, đắm say cất lên những câu thai bài chòi đặc trưng của quê hương.
MINH TUẤN