ÐIỆN LƯỚI QUỐC GIA VƯỢT BIỂN RA NHƠN CHÂU:
Mở lối mới, soi sáng tương lai
Trước đây, xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn (còn quen gọi là Cù Lao Xanh) được ví là “đảo của người già, trẻ em” bởi nghề biển lam lũ, lớp lớp thanh niên lần lượt bỏ đảo vào đất liền làm ăn. Nhưng gần đây, với việc Tổng Công ty Ðiện lực miền Trung kéo điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm 22kV ra đảo, nhiều người đã trở về đảo lập nghiệp. Ðiện lưới quốc gia không chỉ khiến đảo lung linh mà có thể nói còn mở lối mới, soi sáng tương lai cho các cư dân trên đảo.
Tàu rải cáp ngầm dưới đáy biển cấp điện cho xã đảo Nhơn Châu.
Cù Lao Xanh xinh đẹp nhưng…
Nhơn Châu rộng 365 ha, có 650 hộ/gần 3.000 dân cùng các lực lượng vũ trang, biên phòng, đơn vị quản lý hải đăng... ; với diện tích đảo chưa đến 4 km2, chiều dài khoảng 4 km, nơi rộng nhất 1,2 km và được chia làm 3 thôn: Thôn Tây, thôn Trung và thôn Đông. Đây là một trong các đảo tiền tiêu của Tổ quốc có vị trí chiến lược quốc phòng quan trọng.
DỰ ÁN CẤP ĐIỆN CHO NHƠN CHÂU CÓ 4 HẠNG MỤC CHÍNH:
● Ngăn xuất tuyến 22 kV tại trạm biến áp 110 kV TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ðiện lưới quốc gia từ xuất tuyến này sẽ cung cấp cho xã đảo Nhơn Châu;
● Hơn 10 km cáp ngầm 22 kV một mạch xuyên biển;
● Lưới điện trên xã đảo Nhơn Châu với 2 trạm biến áp 250 kVA và 400 kVA, gần 5,6 km đường dây;
● Hệ thống viễn thông và cáp quang thông tin cùng theo tuyến cáp quang.
Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 351,5 tỷ đồng; trong đó vốn do EU tài trợ 280 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của EVNCPC.
Như tên gọi của đảo, Cù Lao Xanh được bao phủ bởi màu xanh của những thảm thực vật và cây rừng còn tương đối nguyên vẹn. Đại bộ phận dân cư sống bằng nghề biển với vài trăm chiếc thuyền nhỏ, chỉ đủ sức đánh bắt ven bờ, trên đảo chỉ có gần 1 ha lúa nước. Theo chính quyền địa phương, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm cao nhất cũng chưa tới 1.000 tấn, và ngày càng giảm mạnh, có năm chưa đạt 400 tấn. Cư dân trên đảo phần đông là nghèo, cơ hội việc làm quá ít nên hầu hết thanh niên rời đảo vào đất liền mưu sinh. Trên đảo ngày thường chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, sống nhờ vào nguồn tiền do con cái từ đất liền gửi về và một ít tôm, cá bắt được từ những chiếc thuyền thúng đánh bắt gần bờ.
Theo định hướng phát triển của TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Cù Lao Xanh sẽ là một khu du lịch biển đảo, một trạm cung cấp lương thực, nhiên liệu, đá lạnh cho những đoàn tàu đánh cá lân cận vùng biển này. Hoạch định đó chỉ trở thành hiện thực nếu đảo có một nguồn điện đảm bảo ổn định, liên tục, chất lượng.
Điện - khởi nguồn của mọi lời giải
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) và UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp tổ chức cấp điện cho Nhơn Châu. Nhờ vậy, đảo có điện trên 2 khung giờ, từ 9 giờ đến 15 giờ và từ 17 giờ đến 23 giờ. Nhưng do máy phát điện vận hành lâu, thường xuyên hư hỏng nên không đáp ứng được cho nhu cầu phụ tải tối thiểu trên đảo, khiến chất lượng điện thiếu ổn định. Bởi vậy, nhiều năm qua điện lưới quốc gia vẫn là niềm mong mỏi của bà con.
Xã đảo Nhơn Châu được Chính phủ công nhận là xã đảo vào năm 2015, là niềm vui của người dân trên đảo. Niềm vui mang theo hy vọng về sự quan tâm hơn của các cấp chính quyền và ngành điện trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, việc làm của người dân. Và điện luôn đi đầu trong tiến trình ấy. Trong bối cảnh đó, Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho cho xã đảo Nhơn Châu của tỉnh Bình Định từ lưới điện Quốc gia thuộc Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” do Chính phủ triển khai và sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại do Liên minh châu Âu tài trợ thật sự là một tin vui cực lớn không chỉ với Nhơn Châu mà còn với tất cả những ai yêu mến Cù Lao Xanh xinh đẹp!
Công nhân Điện lực Quy Nhơn kiểm tra máy cắt trên đảo Nhơn Châu.
Điện thắp sáng Nhơn Châu, điện mở lối tương lai
Tháng 9.2016, người dân Cù Lao Xanh đón tin mừng khi UBND tỉnh Bình Định đã duyệt chủ trương đầu tư Dự án cấp điện cho xã đảo từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển. Dự án với tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng; và giao cho UBND TP Quy Nhơn làm chủ dự án. Đây thật sự là một dự án lớn và không thể chỉ trong ngày một ngày hai mà thành hiện thực dù ngành Điện nỗ lực không ngưng nghỉ.
EVN đã hoàn thành việc tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo, 82/85 xã đảo. Trong các huyện đảo đó có 6 huyện đảo được cung cấp bằng nguồn lưới điện quốc gia gồm: Vân Ðồn, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Hải (Hải Phòng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang).
5 huyện đảo được cung cấp điện bằng nguồn điện tại chỗ (kết hợp máy phát điện diesel với điện mặt trời và điện gió) gồm: Bạch Long Vỹ (Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Trường Sa (Khánh Hòa); Phú Quý (Bình Thuận); Côn Ðảo (Vũng Tàu).
Đến ngày 12.9.2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển dự án cho ngành Điện trực tiếp thực hiện. Và ngày 15.10.2018 dự án chính thức được giao cho Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) làm chủ đầu tư và Ban QLDA Điện Nông thôn miền Trung (CPCCREB) quản lý dự án. Dự án Cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu nhằm cung cấp điện ổn định cho người dân và các cơ quan, tổ chức trên đảo.
Ngày 31.7.2020, bước ngoặt mang tính quyết định thành công trong thực hiện Cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu là Công ty TNHH Xây dựng điện Thái Dương - đơn vị thi công tuyến cáp ngầm xuyên biển - đã hoàn thành rải 10 km cáp ngầm dưới đáy biển từ điểm đầu lấy điện tại trạm biến áp 22kV Hòa An từ xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) và cập bờ tại điểm cuối trên xã đảo Nhơn Châu. Và những người thợ điện miền Trung khẩn trương đấu nối đường cáp ngầm với lưới điện 22 kV trên đảo, hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch tiến độ, đóng điện trong tháng 8.2020, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo EVNCPC và mong mỏi của người dân trên đảo.
Hoàn thành và đóng điện Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu là một trong những công trình trọng điểm trong năm 2020, chào mừng 45 năm thành lập EVNCPC (7.10.1975 - 7.10.2020), dự án hoàn thành ghi dấu sự nỗ lực vượt bậc của ngành điện miền Trung trong quyết tâm phủ kín điện lưới đến toàn bộ xã đảo dọc vùng duyên hải miền Trung.
“Đối với Cù Lao Xanh, đầu tư không chỉ hiệu quả về kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, mà đây là nội dung lớn trong chiến lược bảo vệ biển đảo”, ông Lê Hữu Lộc - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã khẳng định. Hơn thế nữa, nếu mô hình khai thác các điểm đến còn nguyên sơ từng thành công tại Bình Định được nhân rộng và áp dụng tại Cù Lao Xanh, hòn đảo ngọc này kết hợp với Eo Gió - Kỳ Co - Quy Nhơn sẽ tạo thành một chuỗi các điểm đến tiêu điểm của tỉnh, nâng tầm thương hiệu du lịch đang lên của vùng đất này. Hai năm gần đây, đảo bắt đầu phát triển mạnh lĩnh vực du lịch, các homestay, nhà nghỉ, quán xá kinh doanh ăn uống phát triển khá nhanh nhưng ngặt nỗi thiếu điện nên chất lượng phục vụ bị hạn chế.
Ông Nguyễn Đức Toàn, chủ một homestay ở thôn Tây, cho biết: “Hiện nay gia đình tôi đã xây 6 phòng homestay để du khách đến tham quan, du lịch tại đảo có nơi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, với khả năng cung cấp điện của Trạm điện Nhơn Châu không đảm bảo, gia đình phải đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để mua máy phát điện, cung cấp cho hệ thống quạt, điều hòa, sinh hoạt của du khách. Khỏi phải nói là tôi vui mừng như thế nào khi trực tiếp chứng kiến cáp ngầm vượt biển cập bờ trên xã đảo Nhơn Châu”.
Chung niềm vui, ông Lê Trọng Tàu, một ngư dân làm nghề nuôi trồng thủy sản trên đảo, phấn khởi: Có nguồn điện ổn định thì chắc chắn đời sống của người dân đi lên. Trước đây, mỗi khi đánh bắt được con cá, con tôm nhưng không kịp chở vào đất liền để bán trong ngày liền bị ươn do không đủ điều kiện bảo quản. Thiếu điện làm cho các ngành nghề hậu cần cũng kém phát triển, muốn có đá lạnh để ướp hải sản cũng phải phụ thuộc vào đất liền chở ra, mùa mưa bão thì còn khó khăn hơn vì tàu thuyền đâu dám ra đảo.
Những ngày này, ở bất cứ đâu trên đảo đều bắt gặp không khí phấn khởi, rộn ràng, những ánh mắt hân hoan, những nụ cười, những niềm vui của người dân trước sự kiện trọng đại mang tính lịch sử: Điện lưới Quốc gia đã về tới đảo Cù Lao Xanh. Một cơ hội mới, vận hội mới đã mở ra cho người dân trên đảo. Và thông điệp xin gởi đến các lớp thanh niên của đảo đang làm ăn, học tập trên đất liền là: Hãy quay trở về đảo đóng góp kiến thức, trí tuệ, công sức của tuổi trẻ để cùng chung tay xây dựng đảo quê nhà phát triển giàu mạnh!
…Một ngày mới đã bắt đầu trên đảo Cù Lao Xanh.
CAO QUANG