Xử lý ngập nước ở Quy Nhơn vào mùa mưa
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, nhất là vào mùa mưa, Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch để hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố hoạt động hiệu quả hơn.
Công nhân Xí nghiệp thoát nước đang hút bùn đất tại hệ thống thoát nước trên đường Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn.
Tăng cường rà soát hệ thống thoát nước
Để chủ động phòng tránh ngập nước mùa mưa, UBND TP Quy Nhơn đã giao Ban Quản lý dịch vụ công ích TP Quy Nhơn chủ trì phối hợp với Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn kiểm tra, rà soát hệ thống thoát nước, mương rãnh, suối thoát nước hiện trạng trên địa bàn thành phố.
Xí nghiệp thoát nước (thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn) là đơn vị quản lý hơn 181 km cống, kênh mương thoát nước và 3.000 cụm hố ga ngăn mùi trên 312 tuyến đường ở khu vực nội, ngoại thành Quy Nhơn. Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó Giám đốc Xí nghiệp, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã huy động công nhân, phương tiện tổ chức nạo vét bùn tại 2.572/3.000 cụm hố ga ngăn mùi, 6 tuyến thoát nước có tổng chiều dài hơn 590 m. Qua đó, thu gom khoảng 473 m3 bùn tại các tuyến đường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Hồng Phong, Xuân Diệu… Ngoài ra, Xí nghiệp còn kiểm tra, sửa chữa và lắp đặt mới 196 tấm đan các loại; sửa chữa, nạo vét 95 điểm đột xuất và tháo dỡ gần 1.100 miệng hố ga, hố thu nước bị người dân tự ý che chắn…
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, ở KV 8, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, cho biết: “Phía trước nhà tôi là hố ga, công nhân của Xí nghiệp thoát nước khi kiểm tra, nạo vét hố ga xong đã cho tôi số điện thoại để liên hệ. Mỗi khi có hiện tượng gì bất thường như mùi hôi hay đường ngập nước, tôi điện thoại báo là có công nhân tới xử lý ngay”.
Trong năm 2020, Xí nghiệp thoát nước đã hoàn thành hệ thống thoát nước mới tại 4 đường hẻm (140 Thanh Niên, 586 Tây Sơn, 70 Võ Mười, 295 Hoàng Văn Thụ) và tại khu vực ngã ba đường Lê Thanh Nghị - Võ Nguyên Giáp (TP Quy Nhơn), với tổng chiều dài 495 m. “Xí nghiệp thực hiện nạo vét các hố thu nước 6 đợt/năm, trung bình khoảng 2 tháng nạo vét một đợt. Trước mùa mưa, từ tháng 8 đến khoảng giữa tháng 9, chúng tôi đã triển khai nạo vét lại toàn bộ các hố thu nước trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Tấn Hưng cho biết thêm.
Xử lý nhiều điểm ngập nước
Từ sự chủ động của Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn và các đơn vị liên quan, nhiều nơi thường bị ngập vào mùa mưa trước đây trên địa bàn thành phố như đường Nguyễn Tất Thành, các tuyến đường khu vực chợ Đầm, đường Trần Hưng Đạo (đoạn qua tháp Đôi), Nguyễn Thị Minh Khai, ngã tư Trần Cao Vân - Nguyễn Trãi, ngã ba đường Lê Lai - Diên Hồng, nút giao thông Đống Đa… đã được khắc phục hoàn toàn. Ngay cả các đoạn đường Hùng Vương (từ đường Võ Thị Sáu đến Điện Biên Phủ), đường Bùi Tư Toàn, Võ Thị Yến thường xuyên bị ngập nghiêm trọng cũng đã được xử lý triệt để. Nhà dân trên các con đường trên thoát khỏi cảnh ngập lụt cục bộ.
Sau khi xử lý xong, Xí nghiệp thoát nước duy trì lực lượng kiểm tra ở những tuyến đường xung yếu dễ xảy ra ngập để kịp thời giải quyết việc tiêu thoát nước, đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường. Đồng thời thường xuyên cử người đến tuyên truyền cho các hộ dân sinh sống dọc hệ thống cống, mương thoát nước, cụm hố ga ngăn mùi không được đổ đất đá, chất thải hoặc dùng các vật cứng, bao bì… che đậy hoặc bịt kín các hố ga, nhằm đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tuyến đường trên địa bàn thành phố ngập cục bộ khi mưa to. Ông Nguyễn Thành Tường, Giám đốc Ban Quản lý dịch vụ công ích TP Quy Nhơn, cho biết: “Đơn vị chúng tôi là cơ quan chủ quản hệ thống thoát nước trên địa bàn TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, các dự án ở đường Xuân Diệu, khu vực Quảng trường Chiến thắng, khu dân cư Đông đường Điện Biên Phủ, khu dân cư Tây đường An Dương Vương… do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, hiện vẫn chưa bàn giao lại công tác quản lý thoát nước cho UBND TP Quy Nhơn. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần việc bàn giao hồ sơ để quản lý nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện, điều này sẽ gây khó trong khâu quản lý, xử lý khi đường bị ngập cục bộ”.
HẢI YẾN