Chuyện từ những cánh thư băng rừng
Ngày lại ngày, dù trời mưa hay nắng, những bưu tá vùng cao vẫn rảo bước trên khắp nẻo đường để mang sách, báo, thư tín… đến trao tận tay bà con ở các thôn, làng.
1.
Hơn 15 năm qua, người dân xã Bok Tới (Hoài Ân) đã quen với dáng hình anh bưu tá Trần Văn Trạng (40 tuổi, thôn Nhơn Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) ngày ngày rong ruổi vượt núi để trao từng tờ báo, phong thư đến tận tay người dân.
Ngày nào anh Trạng cũng bắt đầu ngày làm việc của mình từ sáng sớm. Từ năm 1997 đến nay, bất kể trời nắng hay mưa, mỗi ngày anh Trạng vượt gần 30 km, “làm bạn” với bao ngọn đèo, con suối để đưa thư, gửi báo đến 20 bản làng và đơn vị đóng giữa núi rừng hoang vu. Những ngày mưa lũ, có khi anh phải ngủ lại giữa rừng, chờ nước rút mới băng suối về lại làng, rồi tiếp tục chở sách, báo, thư tín sang các làng bản lân cận. Khó khăn là vậy, nhưng không một ngày anh bỏ công việc quen thuộc của mình. Anh Trạng tâm sự: “Lương mỗi tháng được 1,7 triệu đồng, chi tiêu cân nhắc lắm mới đủ trang trải cho gia đình. Cực nhất là những hôm trời mưa, đường trơn dốc trượt, muỗi, vắt sinh sôi. Mùa mưa lũ, chuyện phải ngủ lại giữa rừng là thường. Nhưng tôi yêu thích công việc này”.
2.
Gần 20 năm qua, ngày nào cũng vậy, trên chiếc xe đạp “đi cùng năm tháng”, ông Châu Văn Mùi (71 tuổi, thôn Tân An, xã An Tân, huyện An Lão) vẫn cần mẫn, tận tụy vượt hàng chục cây số đến Bưu điện Trung tâm huyện An Lão nhận bưu phẩm, thư, báo để đi cấp phát đến từng địa chỉ. Nhớ lại cái thời cách đây hơn chục năm, báo về xã miền núi An Tân như “quà lạ”, về các thôn, xóm, bản càng như “vàng mười”, thư thì mỗi ngày lèo tèo dăm bảy lá. Nay thì mỗi ngày ông Mùi đón nhận và phân loại hàng chục loại báo. Tất cả các thôn bản đều có báo Bình Định, Nhân dân, Nông thôn ngày nay hay Dân tộc và Phát triển; còn thư thì đều đều mỗi ngày vài chục lá, cả dịch vụ chuyển phát nhanh cũng bắt đầu nhiều thêm.
Đối với bưu tá Mùi, lúc chưa đi làm, cứ nghĩ đưa thư là công việc đơn giản. Khi vào nghề, mới thấy không ít áp lực; thậm chí, có lúc còn gặp nhiều tình huống cười ra nước mắt. Dù đã nắm mọi “đường đi nước bước” trên địa bàn xã An Tân và thị trấn An Lão trong lòng bàn tay, nhưng lắm lúc người bưu tá già cũng mãi đến tối mịt mới tìm ra địa chỉ người nhận thư. “Ngày xưa con cháu sinh ra ít khi đặt tên trùng nhau lắm! Bây giờ, sao trùng tên quá trời luôn. Cách đây chừng dăm ba năm, ở thôn Tân An có 2 đứa cháu tên giống nhau như đúc nên lắm lúc thư đứa này, chuyển nhầm sang cho đứa kia đọc. Rút kinh nghiệm, giờ cứ gặp những người trùng tên là tôi tới tận gia đình để hỏi trước cho yên tâm… ông Mùi vui vẻ kể.
3.
Tôi gặp nữ bưu tá Đỗ Thị Toán (55 tuổi, thôn Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) khi chị lội qua suối, băng rừng đem thư đến tay người nhận. Ba năm qua, được đi nhiều, tiếp xúc với nhiều gia đình, chị Toán gần như thuộc lòng từng cái tên, ngôi nhà ở khu vực chị phụ trách. Để rồi, trên bản làng vùng cao này, chị Toán được đồng bào ví như “sợi chỉ đỏ” kết nối thông tin giữa miền xuôi và miền ngược. Giờ đây, được đọc báo mỗi ngày đối với đồng bào Chăm H’roi thuộc các bản làng xa xôi ở xã miền núi Canh Hiệp và thị trấn Vân Canh là một điều quý giá.
“Niềm vui cũng nhiều nhưng có lúc cũng buồn, nhất là khi bà con không hiểu công việc của mình. Nhưng mỗi ngày, nhận chồng thư báo mới, lại tất tả lên đường, bỏ lại hết tất cả những lo toan… Bởi như thế nghĩa là “con chữ” đến với dân bản mình nhiều hơn, sẽ bớt đi nỗi lo “đói” thông tin, nghĩa là nhiều gia đình lại nhận thêm tin tức của người thân ở xa để mai này về giúp bản làng”, chị Toán trải lòng.
TRỌNG LỢI