Cải tiến chương trình đào tạo nghề theo phương pháp DACUM
Từ ngày 12 - 16.10, giảng viên của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn sẽ tham gia khóa tập huấn triển khai Thí điểm thiết lập, vận hành cơ chế bảo đảm chất lượng trong quá trình đào tạo 20 nghề trọng điểm quốc gia năm 2019 - 2020 tại tỉnh Ninh Bình. Trường là 1 trong 20 trường cao đẳng được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chọn để tham gia chương trình này.
Chương trình tập huấn này được triển khai làm 6 khóa, diễn ra tại nhiều tỉnh thành. Trước đó, vào tháng 7.2020, chương trình tập huấn đã triển khai tại TP Quy Nhơn. Xuất hiện xuyên suốt tại các khóa tập huấn này là phương pháp DACUM - công cụ áp dụng cải tiến chương trình đào tạo nghề trọng điểm. DACUM gắn kết nhà trường - DN trong thiết kế chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của nghề.
Khóa tập huấn triển khai phương pháp DACUM trong cải tiến chương trình đào tạo nghề diễn ra tại TP Quy Nhơn vào tháng 7.2020.
Bà Lê Thị Hạnh Xuân - Phó Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng (Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Tại trường, chúng tôi đã áp dụng phân tích DACUM để hình thành danh sách năng lực hành nghề, xây dựng bộ chuẩn đào tạo, bộ chuẩn đánh giá một số nghề: Công nghệ kỹ thuật điện tử, Công nghệ kỹ thuật cơ khí...; cập nhật lại chương trình đào tạo, bộ chuẩn đánh giá của nghề Quản lý siêu thị. Ví dụ như nghề Quản lý siêu thị, chúng tôi hình thành chương trình đào tạo từ năm 2012 theo hướng tiếp cận năng lực. Khảo sát vào năm 2016 của chúng tôi cho thấy, với hướng đào tạo này, 100% học viên ra trường có việc làm, trong đó, 80% đúng chuyên ngành, làm việc tại các siêu thị Co.opmart, Vinmart, Big C...”.
Tại Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, phương pháp DACUM đang được triển khai để cải tiến chuẩn đầu ra, cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo cho nghề Công nghệ ô tô trình độ cao đẳng. Ông Đặng Đức Cường - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Công nghệ ô tô, cho biết: “Các giảng viên của khoa đang tiếp tục theo các khóa tập huấn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để xây dựng chương trình chuẩn đầu ra cho nghề Công nghệ ô tô. Tại các buổi tập huấn đều có sự tham gia của đại diện DN, thợ lành nghề của nghề để có thể tiến hành các phân tích, tạo nền tảng để thiết lập chương trình”.
AN PHƯƠNG