Hà Giao - Một nhà folklore Bình Ðịnh
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) Hà Giao (1937 - 2011) là một trong hai tác giả vừa được Hội đồng cấp cơ sở xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật tỉnh đề nghị Trung ương xem xét, công nhận và trao “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật năm 2021.
Cố nhà folklore Hà Giao tên thật là Đặng Phùng Mãi, sinh năm 1937 tại thôn Tiên An, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1955, Hà Giao sớm gia nhập vào đội ngũ những người làm báo chí, văn nghệ cách mạng. Năm 1965 ông là phóng viên của Báo Văn nghệ Quân khu V và năm 1968 truyện ngắn Cái rựa của ông được trao Giải thưởng Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ. Năm 1971, Hà Giao bị thương, phải chuyển ra miền Bắc điều trị. Năm 1974, Hà Giao chuyển ngành sang làm biên tập viên Đài Phát thanh Giải phóng (Hà Nội). Sau năm 1975, ông trở về quê hương và làm biên tập viên tại Báo Bình Định. Năm 1976, Hà Giao chuyển công tác sang Sở VH&TT, làm Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, sau đó là Trưởng phòng Văn nghệ. Đây là giai đoạn mà ông có dịp tham gia nhiều lễ hội văn hóa miền núi, miền biển và thực hiện nhiều chuyến công tác, điền dã, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian…
Nhà folklore Hà Giao (hàng ngồi, thứ 2 từ phải qua) tại một lễ hội miền núi ở Vĩnh Thạnh.
Sinh thời, Hà Giao là một nhà báo, nhà thơ và những năm cuối đời ông được biết đến như một nhà folklore tài năng. Những công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số đã công bố của ông - điển hình là - Sử thi Bahnar Kriêm, Sử thi Bahnar Konhđeh, Hơamon Bahnar Konhđeh, Hơamon Bahnar Giolơng, Truyện cổ Bahnar Kriêm… là minh chứng.
Người Bana sinh sống chủ yếu từ Bình Định đến Đắk Lắk và có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo nhóm địa phương, như: Gơlơng, Tôlô, Gơlai và Kriêm… Mỗi nhóm địa phương Bahnar lại có những bản hơamon (tức sử thi) đặc sắc. Mỗi bản sử thi là một tác phẩm tổng hợp, thu hút hầu hết các giá trị văn hóa nghệ thuật vốn có của dân tộc, như: Thơ ca, thần thoại, truyền thuyết, âm nhạc, diễn xướng… Nội dung cốt lõi của các sử thi là sự khẳng định cái thiện, cuộc đấu tranh với cái ác và chiến thắng của cái thiện. Từng có thời gian khá dài cùng nhà folklore Hà Giao thực hiện nhiều chuyến điền dã, sưu tầm, tôi hiểu rằng, nếu không có tình yêu mãnh liệt đối với văn hóa, văn nghệ dân gian hẳn ông khó có thể thực hiện nổi những công trình công phu, bề thế như vậy. Nhiều lần do yêu cầu gấp gáp của công việc, Hà Giao đã thuê xe ôm chở từ Quy Nhơn lên Vĩnh Thạnh, hay bắt xe đò lên Gia Lai, Kon Tum để sưu tầm, ghi chép, ghi âm tư liệu… Còn nhớ, khi vừa xuất bản tập Truyện cổ Bahnar Kriêm, khi mang sách đến nhà ký tặng tôi, ông viết: “Không chỉ tặng sách, mà anh muốn gửi Viết Hiền cả niềm đam mê về văn nghệ dân gian miền núi…”.
Quả đúng như vậy, hầu hết những công trình nghiên cứu của nhà folklore Hà Giao đều được thực hiện công phu, đồ sộ. Đơn cử như tập Sử thi Bahnar Kriêm dày tới 1.275 trang (trong đó tập I dày 365 trang, tập II dày 890 trang); Hơamon Bahnar Konhđeh dày 320 trang; Truyện cổ Bahnar Kriêm dày 235 trang; Hơamon Bahnar Giolơng dày 380 trang; Sử thi Bahnar Konhđeh tập I dày 365 trang…
Thật đáng tiếc, năm 2011, giữa lúc một số công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số còn dang dở thì ông qua đời. Tuy nhiên, cuối cùng thì những công sức, trí tuệ của Hà Giao đã được đền đáp. Thời gian qua, gia đình, đồng nghiệp, bạn hữu đã tập hợp những bản thảo công trình nghiên cứu của ông để xuất bản. Đặc biệt, mới đây cụm tác phẩm Sử thi Bahnar Kriêm, Sử thi Bahnar Kriêm - BahnarKonkđeh, Hơamon Bahnar Giơlơng, Truyện cổ Bahnar Kriêm của nhà folklore Hà Giao đã được Hội đồng cấp cơ sở xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật tỉnh đề nghị Trung ương xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật”.
Hà Giao (1937 - 2011) là hội viên của nhiều tổ chức, như: Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn học -Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Với nhiều thành tích trong kháng chiến ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba.
Các tác phẩm: Về thơ, trường ca, truyện ký: Giọt mưa, Tấm áo vỏ cây, Từ Krông Bung, Nắng tím, Ðất tháp mơ; Cái rựa, Ngôi sao rừng dừa; về nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian: Truyện cổ Bahnar Kriêm, Dyông Wiwin; Chàng Dyông; Sử thi Bahnar Kriêm tập 1, tập 2; Sử thi Bahnar Konhđeh tập 1, tập 2; Hơamon Bahnar Konhđeh; Hơamon Bahnar Giolơng; Câu hò bên sông Kôn; Văn nghệ Dân gian vùng biển Bãi ngang.
Các giải thưởng: Giải Ba của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (1995); Giải Khuyến khích của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VH&NT Việt Nam (1996); Giải Ba của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (1998); Giải Nhì B của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2001); Giải Ba B của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2002); Giải A Giải thưởng của Hội VH&NT các dân tộc thiểu số Việt Nam (2004); Một số giải thưởng Giải VH&NT Ðào Tấn - Xuân Diệu (Giải B lần thứ II-2002; Giải A lần thứ III-2007; Giải A lần thứ IV- 2013)…
VIẾT HIỀN