Cải cách tài chính công và dấu ấn của Sở Tài chính
Cải cách tài chính công đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, hướng đến xây dựng nền hành chính lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính. Kết quả cải cách tài chính công của tỉnh thời gian qua ghi đậm dấu ấn của “chủ công” Sở Tài chính.
Với vai trò chủ trì, tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện công tác cải cách tài chính công, trong những năm qua, Sở Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hiệu quả và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, Sở tích cực theo dõi sát diễn biến thu ngân sách hàng tháng, quý, năm, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế và cơ quan liên quan đề xuất các biện pháp cụ thể, phù hợp để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn.
Công tác quản lý chi ngân sách ngày càng chặt chẽ, bảo đảm các khoản chi đúng quy định của Nhà nước.
- Trong ảnh: Công chức Sở Tài chính đang tác nghiệp.
Mặt khác, ngân sách địa phương đã cân đối đầy đủ kinh phí để thực hiện các chính sách phục vụ phát triển KT-XH do HĐND tỉnh ban hành, trong đó có một số chính sách đã phát huy hiệu quả rất tích cực như: Phát triển lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, nâng cấp, mở rộng toàn bộ các tuyến đường do tỉnh quản lý; thu hút bác sĩ, dược sĩ về tỉnh công tác; hỗ trợ xuất khẩu lao động.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, Sở Tài chính luôn đạt mức “Tốt”, xếp thứ nhất trong khối các cơ quan hành chính tỉnh về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin. Về chỉ số cải cách hành chính, Sở Tài chính luôn giữ 1 trong 2 vị trí dẫn đầu trong khối các cơ quan hành chính tỉnh.
Đáng chú ý, theo Giám đốc Sở Tài chính Lê Hoàng Nghi, công tác quản lý chi ngân sách ngày càng chặt chẽ, bảo đảm các khoản chi đúng quy định của nhà nước, tiết kiệm, hiệu quả; hạn chế thấp nhất các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng NSNN. Kết quả tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN giai đoạn 2015 - 2019 là 387,2 tỷ đồng.
“Chúng tôi đã công khai đầy đủ, kịp thời các số liệu ngân sách trên Trang thông tin điện tử của cơ quan và Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh theo quy định Luật NSNN để người dân có thể tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách và đóng góp tiếng nói của mình đối với vấn đề quản lý, sử dụng NSNN đến HĐND tỉnh thông qua đại biểu của HĐND tỉnh. Năm 2019, Bình Định xếp vị thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI)”, ông Nghi cho hay.
Ngoài ra, Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện công tác sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập khối tỉnh, khắc phục chồng chéo, dàn trải về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến nay, 135/135 đơn vị sự nghiệp công lập khối tỉnh được giao quyền tự chủ về tài chính. Đồng thời, hoàn thành việc giao cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị dự toán khối tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan chuyên môn cấp huyện và cấp xã. Từ đó, các đơn vị đã chủ động trong việc quản lý, điều hành tài chính phù hợp với tình hình thực tế.
MAI LÂM