Sớm tháo gỡ vướng mắc trong chi trả dịch vụ môi trường rừng
Sau 7 năm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại Bình Định đã góp phần tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn.
Theo hướng dẫn tại Văn bản số 1537/BNN-TCLN ngày 4.3.2019 của Bộ NN&PTNT, việc triển khai thực hiện chi trả tiền DVMTR cho chủ rừng, cá nhân, hộ gia đình cộng đồng, dân cư thôn thông qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai. Từ năm 2019 đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh (Sở NN&PTNT) thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ATM của ngân hàng và ứng dụng thanh toán điện tử ViettelPay của Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel). Có thể nói rằng, việc triển khai cách thức thanh toán tiền DVMTR qua hệ thống điện tử cho thấy sự tiện ích, đơn giản thủ tục hành chính, thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát; song quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Với các đơn vị, tổ chức thụ hưởng chính sách chi trả DVMTR thì việc nhận tiền qua tài khoản ATM thuận lợi hơn. Với kênh ViettelPay, chủ rừng sẽ nhận được tin nhắn thông báo trên điện thoại về số tiền nhận được. Nếu muốn rút tiền mặt thì đến đại lý ủy quyền của Viettel nơi gần nhất để làm thủ tục nhận tiền. Nhưng với người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao thì việc nhận tiền cũng chẳng dễ dàng.
Ông Ngô Thanh Hoàng Song, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, cho biết: “Với chủ rừng là hộ dân ở trung tâm huyện, xã hoặc cộng đồng dân cư khoán bảo vệ rừng thì việc nhận tiền DVMTR dễ hơn, bởi được đơn vị, tổ chức nơi hợp đồng khoán họ bảo vệ rừng nhận tiền về chi trả. Còn với hộ dân, cá nhân là chủ rừng mà chúng tôi phải trực tiếp chi trả tiền DVMTR thì khó khăn hơn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đâu phải hộ nào, hay cá nhân nào cũng ở gần đại lý ủy quyền của Viettel để đến làm thủ tục nhận tiền, hoặc những trường hợp lớn tuổi, mắt kém không quen dùng điện thoại thì thao tác để giao dịch nhận tiền qua ứng dụng càng khó hơn”.
Mức chi trả tiền DVMTR được tính theo diện tích rừng tại các lưu vực thủy điện cung ứng, mà nguồn thu DVMTR phụ thuộc vào doanh thu của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (các nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất, cơ sở cung cấp nước sạch, DN sản xuất công nghiệp có sử dụng trực tiếp nguồn nước ngầm và nước mặt) nên số tiền DVMTR các chủ rừng nhận được thường dao động; có nhiều nơi chủ rừng là hộ dân nhận được số tiền vài trăm nghìn đồng hoặc vài chục nghìn đồng, thậm chí chỉ 10.000 - 20.000 đồng/ha/năm. Vậy nên, tùy theo thực tế địa bàn dân cư mà cần có giải pháp cụ thể lựa chọn hình thức thanh toán tiền DVMTR để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách này.
BẢO MINH