Phát huy vai trò của các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu
Công tác triển khai thử nghiệm đối với 66 dịch vụ công trực tuyến đã được các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, qua thử nghiệm cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần khắc phục.
Trong 66 dịch vụ công được thử nghiệm, có 44 dịch vụ công mức độ 3; 22 dịch vụ mức độ 4; 61 dịch vụ công cấp tỉnh, 2 dịch vụ cấp huyện và 3 dịch vụ công cấp xã.
25/66 thủ tục có phát sinh hồ sơ trực tuyến
Theo kết quả thử nghiệm kể từ ngày 10 - 25.9, đã có 25/66 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi thử nghiệm cung cấp dịch vụ công có phát sinh giao dịch hồ sơ theo phương thức trực tuyến (22 dịch vụ công cấp tỉnh và 3 dịch vụ công cấp xã). Trong đó, có 5 dịch vụ công mức độ 4 đã phát sinh 129 hồ sơ giao dịch. Có 6/66 TTHC có phát sinh giao dịch hồ sơ theo hình thức nộp trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hoặc tại bộ phận một cửa cấp huyện nhưng không có phát sinh giao dịch trực tuyến. Tổng số hồ sơ giao dịch phát sinh là 2.793 hồ sơ; trong đó, 301 hồ sơ được tiếp nhận theo phương thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, chiếm tỷ lệ 10,7%.
Hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Theo ông Lê Dũng Linh - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND tỉnh), đa số TTHC được lựa chọn, thử nghiệm đã thể hiện tính thiết yếu cho người dân, DN qua việc phát sinh một lượng lớn hồ sơ giao dịch trong thời gian tương đối ngắn. Điển hình như: Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (923 hồ sơ), thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng (509 hồ sơ), đăng ký khai tử (348 hồ sơ), cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam (290 hồ sơ), cấp bản sao từ sổ gốc (227 hồ sơ), hỗ trợ chi phí mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội (161 hồ sơ)…
Từ kết quả thử nghiệm, Văn phòng UBND tỉnh đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với 25/66 TTHC đã thử nghiệm thành công, có phát sinh hồ sơ giao dịch theo phương thức trực tuyến. Đồng thời, kéo dài thời gian thử nghiệm cho đến hết tháng 10.2020 đối với 41 thủ tục chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến.
Không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu
Bên cạnh tiện ích mang lại, kết quả thử nghiệm cũng cho thấy những khó khăn, vướng mắc; trong đó có tình trạng không chấp nhận cho người dân sử dụng bản sao chứng thực điện tử để thực hiện TTHC trực tuyến, vi phạm quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ (về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử). Theo đó, có đơn vị đã yêu cầu người dân phải mang hồ sơ bản giấy đến để đối chiếu với các thành phần hồ sơ điện tử đã được các cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo đúng quy định của pháp luật.
Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, ngày 7.10, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6768/UBND-KSTT chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện thực hiện một số nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, nội dung quan trọng là chỉ đạo quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm túc quy định về sử dụng các bản sao đã được cơ quan có thẩm quyền chứng thực giá trị pháp lý trong công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC. Việc yêu cầu người dân, DN xuất trình bản chính để đối chiếu, xác minh các thành phần hồ sơ đã được chứng thực bản sao chỉ thực hiện trong trường hợp có căn cứ bản sao giả mạo, bất hợp pháp hoặc theo quy định cụ thể của pháp luật chuyên ngành.
Tránh hình thức, lãng phí
Theo thống kê từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ có 33/1.956 dịch vụ công của tỉnh có phát sinh giao dịch trên 1.000 hồ sơ. Hầu hết trong 33 dịch vụ công này đều đang được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 hoặc mức độ 4. Một số dịch vụ công do vướng mắc trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu từ các hệ thống phần mềm của các bộ, ngành Trung ương hoặc gặp vướng mắc trong các văn bản pháp luật nên chưa thể triển khai mức độ 3, mức độ 4 theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NÐ-CP.
Vì vậy, việc thực hiện chỉ tiêu “Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4” có thể bao gồm một số dịch vụ công mức độ 4 phát sinh rất ít hồ sơ giao dịch, không đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Ðiều 21 Nghị định số 45/2020/NÐ-CP, dẫn đến tình trạng hình thức, lãng phí và không phát huy hiệu quả thiết thực. Do đó Văn phòng UBND tỉnh đã đề nghị Cục Kiểm soát TTHC (thuộc Văn phòng Chính phủ) xem xét, có văn bản hướng dẫn cụ thể để làm cơ sở cho việc tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện chỉ tiêu này đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành.
NGUYỄN VĂN TRANG