Môi trường làm việc và bệnh nghề nghiệp:
Doanh nghiệp lơ là, công nhân lãnh đủ
Một phần kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tại 4 doanh nghiệp trong tỉnh cho thấy, trong số 378 công nhân được khám sức khỏe có 19 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp (18 người mắc bụi phổi silic và 1 bệnh lao nghề nghiệp). Kiểm tra môi trường lao động có 8,6% vị trí lao động tiếng ồn vượt tiêu chuẩn, 4,1% vị trí lao động nồng độ bụi vượt ngưỡng…
Chỉ có 60 doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe
Kết quả kiểm tra của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tại Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Quy Nhơn (Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn) cho thấy, doanh nghiệp này có tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm cho 145 lao động và không có trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp. Công ty cũng tuân thủ các quy định về bảo hộ lao động, thực hiện đầy đủ các hoạt động đo đạc môi trường lao động. Đồng thời tổ chức tập huấn và huấn luyện cho công nhân về an toàn vệ sinh lao động và các chế độ liên quan.
Anh Trần Cường, công nhân Phân xưởng nấu, lên men của Công ty, cho biết: “Các chế độ chăm sóc sức khỏe và bảo hộ lao động đều được công ty thực hiện đầy đủ, nên chúng tôi yên tâm làm việc. Lãnh đạo công ty thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và nhắc nhở về vệ sinh an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
Chị Trịnh Thị Hồng Huệ, Giám đốc Kỹ thuật - Công nghệ của Công ty, cho biết: “Hằng năm, chúng tôi đều có sự rà soát và bố trí công việc phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Công nhân làm việc gò hàn được trang bị đồ bảo hộ, kính bảo vệ mắt, bao tay; khu vực đóng chai có khẩu trang; khu vực pha chế có mũ bảo hiểm. Các chế độ ăn giữa ca, phụ cấp độc hại cũng được thực hiện đầy đủ”.
“Tính riêng 770 doanh nghiệp mà ngành Y tế quản lý, chỉ có 60 doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Trong số này, cũng chỉ có 18.010/72.141 công nhân được khám sức khỏe định kỳ, mới đạt 24,96%”
Thạc sĩ TRÌNH CÔNG TUẤN, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh
Theo thạc sĩ Trình Công Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, số doanh nghiệp làm tốt công tác đảm bảo môi trường làm việc, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho công nhân như Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Quy Nhơn không nhiều. Có thể kể thêm một số ít đơn vị, như: Công ty cổ phần gạch tuynen Bình Định, Công ty cổ phần gốm sứ Tây Sơn, Công ty Phú Tài...
Thạc sĩ Tuấn cho biết thêm: “Tình trạng chủ cơ sở chưa quan tâm đến môi trường làm việc, khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, đặc biệt những người làm việc trong môi trường độc hại còn phổ biến. Tính riêng 770 doanh nghiệp mà ngành Y tế quản lý, chỉ có 60 doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Trong số này, cũng chỉ có 18.010/72.141 công nhân được khám sức khỏe định kỳ, mới đạt 24,96%. Đặc biệt, 100% cơ sở y tế có nguy cơ phát sinh bệnh nghề nghiệp nhưng chưa tổ chức khám phát hiện cho người lao động”.
Nhiều yếu tố nguy cơ
Hầu hết các chủ doanh nghiệp viện rất nhiều lý do để “trốn” trách nhiệm với sức khỏe của người lao động. Nhưng chung quy lại cũng là vì chưa thật sự quan tâm đến công nhân. Trong khi đó, các nhà chuyên môn khuyến cáo môi trường làm việc không đảm bảo tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khi người lao động phải đối mặt với tình trạng nhiệt độ, ánh sáng, độ ồn… không đạt chuẩn cho phép ở nhiều doanh nghiệp.
Tổ chức Lao động Quốc tế đã ban hành danh mục gồm 54 nhóm bệnh nghề nghiệp. Ở Việt Nam mới có 28 bệnh nghề nghiệp được Bộ Y tế công nhận, tập trung chủ yếu vào các bệnh: bụi phổi silic, viêm phế quản mạn tính, lao, viêm gan vi -rút, nhiễm xạ…
Theo quy định, các doanh nghiệp phải tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần. Tuy nhiên, tỉ lệ đơn vị thực hiện việc này là quá thấp, chủ yếu người lao động “tự bơi”. Chị N.T.T.H, 47 tuổi, ở huyện Tuy Phước, đang làm việc trong một doanh nghiệp gỗ ở khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn), cho biết: “Tiếp xúc nhiều với sơn, bụi gỗ và tiếng ồn nên tôi mắc bệnh viêm xoang và viêm phế quản mạn tính tự lúc nào. Đến hôm rồi đi khám ở bệnh viện, bác sĩ thông báo tôi mới biết”.
Thạc sĩ Tuấn phân tích: “Hiện nay, tại tỉnh ta bệnh nghề nghiệp được xác định chủ yếu là bụi phổi silic. Kết quả kiểm tra ở một số doanh nghiệp cho thấy 90% công nhân ngành khai thác và chế biến đá granit mắc phải căn bệnh này”.
Năm 2009, Dự án phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động được triển khai tại Bình Định nhằm tăng cường năng lực khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho tuyến tỉnh. Nhiều hoạt động truyền thông được triển khai. Nhưng, ông Tuấn thừa nhận công tác quản lý khám sức khỏe định kỳ cho công nhân tại các doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Các đơn vị y tế tư nhân hầu như chỉ khám dịch vụ không có tổng kết báo cáo, nhiều doanh nghiệp không thực hiện khám sức khỏe định kỳ, hoặc có tổ chức cũng không báo cáo, nên chỉ có người lao động là lãnh đủ!
THU PHƯƠNG