Ngân hàng thương mại tìm về nông thôn
Khi vốn chính sách chưa đủ điều kiện để phủ sóng hết các vùng quê, vốn từ ngân hàng thương mại là một giải pháp hữu hiệu để người dân thêm cơ hội phát triển sinh kế. Từ thực tế đó, cả ngân hàng thương mại và chính quyền các cấp của tỉnh tích cực đưa vốn về nông thôn. Họ đã xây dựng những kênh quản lý, cho vay vốn thông qua các hội, đoàn thể, nhờ đó nhiều người dân ở các vùng quê tiếp cận được vốn vay tốt hơn, phát huy hiệu quả đồng vốn.
Cán bộ tín dụng của LienVietPostBank Bình Định xuống thực tế địa bàn, hỗ trợ người dân vùng nuôi tôm ở Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) vay vốn.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, tín dụng “tam nông” ngày càng được các ngân hàng thương mại quan tâm, triển khai các sản phẩm phù hợp; gia tăng cơ hội để người dân địa bàn nông thôn trong tỉnh tiếp cận được đồng vốn từ các kênh chính thống. Đến nay, dư nợ tín dụng “tam nông” toàn tỉnh là hơn 29.538 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank). Một điểm tích cực, trong những con số thống kê đó, lần lượt có sự xuất hiện của nhiều ngân hàng thương mại như: Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDbank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamAbank)… Điều này chứng tỏ các ngân hàng thương mại không chỉ “đóng đô” ở phố, mà dần “về quê”, khai thác thị trường tiềm năng.
Sự gia tăng các sản phẩm tín dụng phù hợp, chuyên dụng cho vùng nông thôn đã tạo thuận lợi cho cả khách hàng lẫn ngân hàng. Khách hàng có thêm cơ hội vay vốn, từng bước tiếp cận với sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Các ngân hàng thương mại đưa sản phẩm về nông thôn chủ yếu là các gói tín dụng tín chấp với hạn mức cho vay từ 30 - 50 triệu đồng, những gói vay có giá trị vừa phải, các hộ gia đình dễ dàng vay để đầu tư phát triển kinh tế; hạn chế việc phải vay nóng bên ngoài. Cách làm của các ngân hàng là thông qua một cơ chế thẩm định là hội, đoàn thể địa phương, trong đó, cán bộ tín dụng tham gia vào quá trình thẩm định hồ sơ vay, giám sát sử dụng vốn vay. Và, một khi khai thác tốt thị trường nông thôn, các ngân hàng có cơ hội từng bước mở rộng thị trường, huy động được nhiều vốn tiết kiệm từ người dân…
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng khi mở chi nhánh đều tập trung ở thành phố, cạnh tranh khốc liệt. Song, thực tế thị trường nông thôn lại cho thấy tiềm năng. Giá trị gói vay không lớn, nhưng số lượng khách hàng có nhu cầu vay vốn cao. Thêm một điểm cộng nữa là khách hàng nông thôn ít xảy ra tình trạng nợ xấu, ngân hàng yên tâm khi giải ngân vốn.
QUANG BẢO