Thực hiện chủ trương cấp báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi:
Khắc phục khó khăn để phát huy hiệu quả
Triển khai thực hiện Quyết định 45/QÐ-TTg ngày 9.1.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019 - 2021, tại tỉnh Bình Ðịnh, đã có gần 230 nghìn tờ báo được đưa đến người dân. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những khó khăn, cần được khắc phục trong thời gian tới.
Tác động tích cực
Có thể xem báo, tạp chí là kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả những chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững an ninh chính trị, phát triển KT-XH tại các địa phương. Ông Mang Trí, người có uy tín tại làng Hà Giao, xã Canh Liên (huyện Vân Canh), chia sẻ: “Tôi luôn dành thời gian để đọc các báo, như: Dân tộc và Miền núi, Nhân dân, Bình Định, được cấp phát định kỳ hàng tuần, qua đó biết và hiểu những chính sách mới để trao đổi với đồng bào. Có vậy, bà con mới bắt kịp sự phát triển chung của đất nước, nghe, học tập theo những cái hay, cái tốt”.
Ban Dân tộc tỉnh kiểm tra tình hình cấp phát báo, tạp chí tại xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn.
Còn ông Đinh Biên, người uy tín tại làng Tà Lét, xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh) thổ lộ: “Báo, tạp chí giống như bạn đồng hành, giúp tôi biết tin tức, biết những cách làm hay, mô hình hiệu quả ở tỉnh khác để vận dụng, tuyên truyền tại cơ sở. Nhờ vậy mà bà con tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa”.
Theo Quyết định 45/QĐ-TTg, tại Bình Định có 19 ấn phẩm báo, tạp chí được cấp cho 149 xã, phường của 10 huyện, thị xã và thành phố; hàng trăm già làng, người có uy tín và các hội, đoàn thể. Trong năm 2019, Bưu điện tỉnh đã tổ chức và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc chuyển phát báo, tạp chí theo danh sách và số lượng do Công ty Phát hành báo chí Trung ương cung cấp, có hơn 129.740 tờ/cuốn, cung cấp cho 2.037 đơn vị, đối tượng được thụ hưởng. Riêng 9 tháng năm nay, đã phát được 97.619 tờ/cuốn.
Theo Quyết định 45/QÐ-TTg, tỉnh Bình Ðịnh được cấp 19 ấn phẩm báo, tạp chí, gồm: Báo Nhân dân, Tin tức, Cựu chiến binh, Tuổi trẻ thủ đô, An ninh biên giới, Người đại biểu, Măng non - Nhi đồng, Thiếu nhi dân tộc, Dân tộc và Phát triển, Tiền phong, Ðại Ðoàn kết, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Phụ nữ Việt Nam, Sức khỏe và Ðời sống, Văn hóa, Nông thôn ngày nay, Nhân đạo, Dân tộc.
Ông Đinh Văn Lung, Quyền Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nhìn nhận: “Quyết định số 45/QĐ-TTg là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Các báo và tạp chí không những tuyên truyền kịp thời đến cơ sở chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà còn góp phần thông tin, phổ biến kinh nghiệm, mô hình hay, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo”.
Cần khắc phục khó khăn
Tuy nhiên, qua thực tế việc triển khai cấp phát ấn phẩm báo, tạp chí theo Quyết định 45/QĐ-TTg vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Theo Ban Dân tộc tỉnh, Bưu điện tỉnh là đơn vị được giao nhiệm vụ cấp phát báo, tạp chí nhưng không thực hiện theo đúng hợp đồng đã đề ra, đơn cử: Người có uy tín, già làng chưa được giao tận tay; một số xã ở xa, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, hiểm trở, nhân viên bưu điện chỉ bàn giao tại UBND xã, không giao đến tận nơi. Ngoài ra, do đối tượng thụ hưởng ở rải rác, cách xa trung tâm xã, điều kiện đi lại khó khăn như: Xã Canh Liên, Canh Hiệp (huyện Vân Canh), Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), An Toàn và An Nghĩa (huyện An Lão), khiến cho công tác phát báo, tạp chí khá vất vả, đặc biệt trong mùa mưa bão. Một số già làng, người có uy tín tại các xã miền núi phản ánh một tháng chỉ nhận được ấn phẩm 1 - 2 lần; thậm chí, có người trong nhiều tháng không nhận được báo.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Gia Bình, Giám đốc Bưu điện tỉnh, lý giải: Một số đối tượng thụ hưởng không nhận được báo do nơi ở xa, đi lại khó khăn và họ thường xuyên đi làm nương rẫy xa, vắng nhà. Khi bưu tá đến phát báo, người nhà nhận thay nhưng không chuyển báo lại, dẫn đến là không nhận được báo. Cái khó nữa, do những ấn phẩm báo, tạp chí được cấp phát không có mã số nên khó kiểm tra, truy xuất, gây khó khăn trong công tác quản lý, giám sát. “Bưu điện tỉnh sẽ chỉ đạo các giám đốc bưu điện cấp huyện tăng cường nhắc nhở và hướng dẫn bưu tá phải cấp phát báo, tạp chí đến đúng địa điểm, đúng đối tượng được nhận báo. Đồng thời, các bưu điện cơ sở cần cung cấp số điện thoại của đơn vị, hướng dẫn cho người và đơn vị được thụ hưởng phản ánh việc không nhận được báo để có hướng giải quyết tốt nhất”, ông Bình nói.
Ông Đinh Văn Lung cho biết thêm: “Thời gian tới, Ban sẽ tích cực phối hợp, đôn đốc Bưu điện tỉnh thực hiện việc cấp phát báo, tạp chí đúng, đủ và kịp thời cho đối tượng được thụ hưởng. Đồng thời, Ban sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nếu có khó khăn, vướng mắc sẽ đề xuất kịp thời với Bưu điện tỉnh”.
CHƯƠNG HIẾU