Phác thảo về Dạ hội giao thừa Giáp Ngọ- 2014
Ngay khi kịch bản chương trình nghệ thuật Dạ hội mừng Đảng mừng Xuân đón giao thừa Giáp Ngọ- 2014 (Dạ hội giao thừa) được UBND tỉnh phê duyệt, các đơn vị tham gia đang khẩn trương bắt tay vào tập luyện.
Diễn ra tại Quảng trường đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) vào tối 30.1.2014 (tức 30 tháng Chạp năm Quý Tỵ), Dạ hội giao thừa Giáp Ngọ có tổng thời lượng 150 phút.
Phong phú, đậm đà sắc màu truyền thống
Trong đó, chương trình hoạt náo trước giờ khai mạc (hòa tấu nhạc cụ hiện đại và múa lân sư rồng) chiếm 30 phút, kết thúc Dạ hội giao thừa bằng màn bắn pháo hoa (từ 23 giờ 20 đến 23 giờ 35), khoảng thời gian giữa dành cho chương trình biểu diễn nghệ thuật, thể thao. Khác với các năm trước, chương trình Dạ hội giao thừa không chia theo chương, chủ đề mà được bố cục như một chương trình tạp kỹ, đảm bảo hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại. 19 tiết mục được chọn vào chương trình vừa thể hiện một Bình Định năng động, hội nhập vừa giới thiệu và tôn vinh những bản sắc văn hóa đặc sắc nhất của vùng đất này.
Tiếp nối hồi trống khai xuân của lãnh đạo tỉnh, màn biểu diễn trống trận và múa cờ “Âm vang trống trận Tây Sơn” do các võ sĩ, nghệ nhân Bảo tàng Quang Trung biểu diễn sẽ mở màn cho Dạ hội giao thừa. Tuy không sắp xếp thành chương nhưng từ các tiết mục xen kẽ nhau, dễ dàng nhận ra 3 chủ đề được thể hiện, tô đậm là mùa xuân, đất nước và quê hương Bình Định. Các tiết mục hát, múa minh họa: “Đảng đã cho ta mùa xuân”, “Những bông hoa trong vườn Bác”, “Quê hương, tình yêu và tuổi trẻ”… làm nên khúc tráng ca về Tổ quốc trong thời khắc thiêng liêng mừng Xuân mới. Các tiết mục: múa “Tết quê”, “Hội làng mừng xuân”, song ca “Xuân yêu thương”, múa đương đại “Vũ khúc giao mùa”, liên khúc hát múa 2 bài “Chúc Tết” - “Chúc mừng năm mới”… sẽ mang không khí mùa xuân rạo rực trải khắp đất trời và lòng người…
Bên cạnh đó, một chương trình nghệ thuật mừng xuân diễn ra trên quê hương của võ, tuồng và bài chòi sẽ không thể thiếu những tiết mục về 3 đặc sản văn hóa ấy của Bình Định. “Tinh hoa võ cổ truyền Bình Định” và “Gái Bình Định” là hai tiết mục biểu diễn võ thuật cổ truyền mà Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định sẽ mang đến Dạ hội giao thừa. Nhà hát tuồng Đào Tấn tham gia Dạ hội với hoạt cảnh tuồng “Ông già đi hội”. Và những câu ca dao mộc mạc hồn hậu, hiếu khách của người Bình Định sẽ vang lên đầy thân thương qua tiết mục dân ca bài chòi “Giới thiệu về văn hóa du lịch Bình Định” của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định.
Sẽ có những nét mới
Dạ hội giao thừa hằng năm là chương trình lớn, ghi dấu ấn sáng tạo và nỗ lực mang nghệ thuật phục vụ nhân dân, công chúng của đông đảo nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực trong tỉnh. Dịp này, lực lượng ca sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa, diễn viên múa, diễn viên tuồng, diễn viên bài chòi phải làm việc hết công suất để mang đến những giai điệu, vũ điệu, vở diễn sân khấu cho khán giả tỉnh nhà. Họ gần như không có thời gian cho Tết và Tết với họ chính là những giờ phút đổ mồ hôi trên sàn tập và thăng hoa trên sân khấu.
Trung tâm Văn hóa tỉnh - đơn vị chủ lực trong tổ chức mọi chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ của tỉnh - tại Dạ hội giao thừa lại tiếp tục “gánh” 15/19 tiết mục. Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Đào Minh Tâm, thời gian này, gần 150 diễn viên tham gia trong các tiết mục đã và đang khẩn trương tập luyện. “Trong số này chỉ có chưa tới 10 cán bộ, nhân viên Trung tâm, còn lại hầu hết là cộng tác viên- là những người đang làm một công việc chính ổn định và sinh viên - học sinh bận bịu với việc học trên trường, do vậy việc tập luyện phải được triển khai sớm và hết sức tranh thủ, nỗ lực. Bên cạnh chương trình Dạ hội giao thừa, chúng tôi còn tham gia phục vụ, biểu diễn tại Lễ hội kỷ niệm 225 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, lễ kỷ niệm 55 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh”, ông Đào Minh Tâm chia sẻ.
Dạ hội giao thừa Giáp Ngọ sẽ có sự tham gia của 3 ca sĩ người Bình Định đang hoạt động nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đó là, nam ca sĩ Minh Khai (Đà Nẵng) sẽ tham gia tiết mục đơn ca “Tổ quốc gọi tên mình”. Giọng ca trẻ Hồ Cẩm Nghi - một người con thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), hiện là sinh viên năm 2 Nhạc viện TP Hồ Chí Minh (chuyên ngành thanh nhạc) tham gia hai tiết mục: đơn ca “Quê hương, tình yêu và tuổi trẻ” và song ca “Xuân yêu thương”. “Siu Black thứ hai trên sân khấu” - ca sĩ Phương Anh, cô gái Bình Định lọt vào Top 10 Vietnam Idol 2010 sẽ hát đơn “Khúc giao mùa” và hát đôi “Xuân yêu thương”.
Ca sĩ Cẩm Nghi bày tỏ: “Từ khi chọn âm nhạc làm nghề, tôi đã ao ước một ngày nào đó sẽ được hát trên quê nhà. Nay mong muốn ấy đang thành hiện thực và tôi dặn lòng mình sẽ chuẩn bị nghiêm túc, biểu diễn hết mình cho lần ra mắt đáng nhớ này”.
SAO LY
tôi cũng có 1 mơ ước là đứng trên sân khấu của tỉnh nhà vào dip tết, tôi sẽ thực hiện ước mơ đó.