Bước tiến mới trong chẩn đoán sớm rối loạn nhịp tim
Theo bác sĩ Phan Nam Hùng, Phụ trách khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh, bệnh lý suy nút xoang, tổn thương nút nhĩ thất chiếm đến 25% nguyên nhân gây ra đột tử do tim. Bệnh lý này sẽ được phát hiện sớm với kỹ thuật thăm dò điện sinh lý chức năng nút xoang và nút nhĩ thất bằng máy kích nhĩ vừa được triển khai tại BVĐK tỉnh.
Nút xoang giữ chức năng chủ nhịp của tim bởi tần số phát xung động của nó là cao nhất trong tất cả các chủ nhịp tiềm tàng của tim. Khi nút xoang “yếu” thì nút nhĩ thất sẽ làm thay nhiệm vụ chủ nhịp. Nếu nút nhĩ thất cũng “hỏng nốt” thì sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim, gây hậu quả nặng nề.
Từ một ca bệnh điển hình
Sáng 25.12, bà Nguyễn Thị Thuận (68 tuổi, ở khu vực 4, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) bị choáng đột ngột, nôn ói liên tục. 9 giờ 30, bà được đưa vào BVĐK tỉnh. Nửa tiếng sau, bà được chuyển từ khoa Khám vào khoa Nội Tim mạch. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bà Thuận bị suy nút xoang, chỉ định thăm dò điện sinh lý nút xoang và nút nhĩ thất để có hướng điều trị thích hợp.
“Ở nhiều bệnh nhân có nguy cơ suy nút xoang và tổn thương nút nhĩ thất, biểu hiện trên lâm sàng có những triệu chứng thoáng qua như chóng mặt, khó thở, nhịp tim chậm hoặc nhịp tim lúc nhanh lúc chậm, nên được thăm dò điện sinh lý chức năng nút xoang và nút nhĩ thất để có hướng chẩn đoán và điều trị thích hợp. Điểm đáng chú ý là kỹ thuật này không chỉ hiệu quả mà còn an toàn, nên bệnh nhân có thể yên tâm thực hiện để phát hiện chính xác bệnh lý”.
BS.CKII PHAN NAM HÙNG, Phụ trách khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh
14 giờ 30 ngày 27.12, các bác sĩ khoa Nội Tim mạch tiến hành thăm dò điện sinh lý nút xoang và nút nhĩ thất. Khi mới vào viện, nhịp tim của bà Thuận chỉ là 38 lần/phút. Khi thăm dò, các bác sĩ đã kích điện cực nhĩ với tần số 80 lần/phút, rồi tăng lên 100, 120, 180 lần/phút. Kết quả thăm dò cho thấy, nút xoang và nút nhĩ thất vẫn hoạt động bình thường, nhịp tim chậm có thể do các nguyên nhân khác. Gia đình cho biết, bà Thuận có tiền sử rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp độ II, thỉnh thoảng bị choáng váng, đi muốn ngã đã 5 năm nay.
Sau khi có kết quả thăm dò, bà Thuận được dùng thuốc để ổn định nhịp tim. Đến tối 31.12, cô con dâu Nguyễn Thị Lan Hường mang bữa tối vào, bà Thuận ăn 2 chén miến bò. Sức khỏe phục hồi tốt, đến sáng 1.1.2014, bà đã được xuất viện.
Đã thực hiện thường quy
Theo bác sĩ Phan Nam Hùng, chi phí thực hiện thăm dò chức năng nút xoang và đường dẫn truyền nhĩ thất không quá tốn kém. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật khó, BVĐK tỉnh Bình Định là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai kỹ thuật này.
“Với những trường hợp bị suy nút xoang hoặc tổn thương đường dẫn truyền nhĩ thất đã rõ trên lâm sàng (như ngất, suy tim và trên điện tâm đồ có biểu hiện rối loạn nhịp tim chậm), bác sĩ nghĩ ngay đến suy nút xoang hoặc tổn thương đường dẫn truyền nhĩ thất, phải chỉ định đặt máy tạo nhịp. Với những bệnh nhân biểu hiện triệu chứng như trên nhưng chỉ thoáng qua, các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng không rõ ràng, nên thăm dò để chẩn đoán chính xác, điều trị đúng hướng, hạn chế can thiệp bằng dụng cụ không cần thiết”, bác sĩ Hùng phân tích.
Để thực hiện thăm dò, các bác sĩ đưa dây điện cực vào tiểu nhĩ của buồng tim để kích nhĩ và thăm dò điện sinh lý, dưới sự hỗ trợ của màn hình tăng sáng chụp mạch xóa nền (DSA). Trong quá trình kích nhĩ, các bác sĩ sẽ lập trình máy điều khiển nhịp tim với một số tần số nhất định, từ đó thẩm định chức năng của nút xoang và nút nhĩ thất.
BVĐK tỉnh đã có kế hoạch triển khai thăm dò nút xoang và đường dẫn truyền nhĩ thất từ đầu năm 2013. Song, phải đến những ngày cuối năm, kỹ thuật này mới được chính thức tiến hành. Thông qua chương trình trao đổi, hợp tác, các giáo sư đầu ngành ở Mỹ đã tặng cho BVĐK tỉnh một máy kích nhĩ trị giá khoảng 250 triệu đồng. Trước đó, trong thời gian tu nghiệp ở Mỹ và tham dự nhiều lớp tập huấn, bác sĩ Phan Nam Hùng đã sử dụng thành thạo thiết bị này. Hiện nay, bác sĩ Hùng đang chuyển giao kỹ thuật và cách lập trình máy cho thạc sĩ Nguyễn Thanh Định và điều dưỡng Trần Văn Lượng.
Trước đây, mỗi lần nghi ngờ bị suy nút xoang, bệnh nhân phải đến các trung tâm tim mạch lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế để làm thăm dò. Nay, kỹ thuật này đã được triển khai thường quy tại BVĐK tỉnh. Không chỉ tiết kiệm được chi phí đi lại cho bệnh nhân, hoạt động này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện sớm, chính xác và can thiệp kịp thời đối với bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim.
NGUYỄN VĂN TRANG