TRIỂN KHAI GIÁO DỤC STEM BẬC TRUNG HỌC NĂM HỌC 2020 - 2021:
Cơ hội giúp học sinh gần gũi thực tiễn - Bài 1: Hay nhưng cần đầu tư nghiêm túc, bài bản
STEM là từ viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). Giáo dục STEM được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Năm học 2020 - 2021, các trường trung học triển khai giáo dục STEM, đây là hoạt động cần thiết để học sinh có thể vận dụng, sáng tạo, gần gũi với thực tiễn đời sống.
Bài 1: Hay nhưng cần đầu tư nghiêm túc, bài bản
Năm học 2020 - 2021, Bộ GD&ÐT có Công văn 3089/BGDÐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học, ở tỉnh ta Sở GD&ÐT đã có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện. Dù hoạt động giúp học sinh tiếp cận thực tiễn nhiều hơn nhưng không dễ do cần đầu tư nghiêm túc, bài bản.
Thầy Đỗ Phương Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân hướng dẫn học sinh làm đề tài nghiên cứu.
Trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết
Văn bản hướng dẫn của Sở nhấn mạnh một số nội dung về sự cần thiết thực hiện giáo dục STEM và tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục STEM trong trường trung học từ năm học 2020 - 2021. Hướng dẫn nhằm giúp cán bộ quản lý và giáo viên nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong trường trung học; thống nhất nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường; đặc biệt tăng cường áp dụng giáo dục STEM trong giáo dục trung học nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Bà Lê Thị Điển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tiên tiến, giúp trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn. Nội dung bài học theo chủ đề STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra; thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh. Các hoạt động giáo dục STEM, gồm: Dạy các môn khoa học theo bài học STEM, tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM, tổ chức hoạt động nghiên cứu KHKT.
“Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 đi vào đời sống thuận lợi, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều chương trình đổi mới đi trước như mô hình trường học mới, các phương pháp dạy học mới và bây giờ là giáo dục STEM. Một trong những nội dung của STEM là dạy học tích hợp, đây là nội dung và là bước đón đầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đợt trước tôi có đi công tác và biết khi triển khai mô hình STEM, cả thầy và trò một trường ở một tỉnh phía Bắc rất hào hứng. Một ví dụ, gần trường có làng làm tương chao, các em được tự tay làm để biết cách lên men, ủ. Sau đó các em tự tính toán bán hàng. Như vậy không chỉ có kiến thức hóa, sinh mà học sinh biết cách tính toán, kinh doanh thực tế. Ở tỉnh ta cũng có nhiều làng nghề truyền thống, nhiều điều kiện để học sinh học tập, trải nghiệm, quan trọng các trường phải đẩy mạnh thực hiện” - bà Lê Thị Điển chia sẻ thêm.
Cuộc thi KHKT cấp tỉnh được tổ chức hằng năm, giúp các trường làm quen với việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu.
Phải hiểu sâu vấn đề
So với nhiều tỉnh, thành khác, các trường học ở Bình Định triển khai STEM với một số thuận lợi đáng kể, dù vậy khi bước vào thực tế vẫn gặp không ít trở ngại. Bắt đầu là yếu tố cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện, kế đó là con người; đặc biệt là yếu tố con người bởi thay đổi, từ bỏ cái lạc hậu và làm quen với cái mới chưa bao giờ là dễ.
Một giáo viên THCS, chia sẻ: Mục đích, ý nghĩa của việc triển khai giáo dục STEM rất hay, tuy nhiên một số trường ở nông thôn ít có điều kiện như thành phố. Hơn nữa, chúng tôi cũng khá lúng túng trong việc chuẩn bị một chủ đề giảng dạy STEM vì không biết bắt đầu từ đâu.
Ông Mai Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn), chia sẻ: Từ năm học 2018 - 2019, chúng tôi đã thử nghiệm dạy STEM, năm học 2019 - 2020, trường bắt đầu dạy đại trà. Dạy STEM không dễ, nó buộc giáo viên phải tự nghiên cứu, học hỏi thêm rất nhiều. Tôi nghĩ muốn STEM trở thành một chương trình phải thể chế hóa những quy định, trước hết tập huấn bài bản cho cán bộ quản lý, giáo viên để nhận thức đầy đủ về STEM chứ không phải hiểu một cách thô sơ, cơ học.
Không phải trường nào cũng có điều kiện thuận lợi để tổ chức giáo dục STEM như Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đặc biệt là những trường ở miền núi, trung du. Ông Trần Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân, chia sẻ: Ban đầu có thể giáo viên chưa quen nhưng qua tìm hiểu, tập huấn rồi sẽ quen. Những trường ở vùng khó khăn tổ chức hoạt động không dễ dàng vì thiếu kinh phí, đời sống của phụ huynh còn nhiều khó khăn không thể ủng hộ để cho học sinh đi nghiên cứu, trải nghiệm làm đề tài.
TS Đặng Thái Việt, giảng viên Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, chuyên gia tư vấn thiết kế chương trình STEM/STEAM (STEAM là giáo dục STEAM với tinh thần nghệ thuật - Art), chia sẻ: Nhiều thầy cô trước giờ không quen với việc tìm hiểu và dạy kiến thức đa môn nên rất lúng túng khi xây dựng một chuyên đề, bài giảng STEM nhưng chúng ta phải thống nhất, khẳng định với nhau rằng, giáo viên phải chấp nhận đổi mới tự tìm hiểu kiến thức đa môn hoặc lập các tổ chuyên môn gần gũi với nhau tổ chức một chủ đề STEM. Đặc biệt, nên tìm ra những giáo viên chuyên dạy STEM, đây là những người có khả năng nhìn ra sợi dây liên kết. Việc giáo viên hiểu rõ về giáo dục STEM cũng như cách thức tổ chức chuyên đề, bài giảng rất quan trọng. Cũng lưu ý, một số giáo viên có thể vì áp lực đã mượn bài giảng của người khác khi thật sự chưa nắm chắc vấn đề, thuần thục kỹ năng, thậm chí là chưa rõ ràng về tri thức, điều đó sẽ dẫn đến việc áp đặt đối với học sinh.
THẢO KHUY