Công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra, xử lý văn bản QPPL:
Cần được nâng cao chất lượng
Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là một khâu quan trọng của quy trình xây dựng, ban hành và thực hiện văn bản. 10 năm (2003-2013) triển khai thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP và Nghị định số 40/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL, đã tạo nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy vẫn còn một số bất cập, hạn chế.
Những lỗi thường gặp
Xác định được vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ kiểm tra, xử lý văn bản QPPL nên thời gian qua, việc gửi văn bản cho Sở Tư pháp kiểm tra được các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc. Theo đánh giá của Sở Tư pháp, cơ bản, các văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp ban hành đều có nội dung phù hợp với Hiến pháp và các văn bản QPPL của các cơ quan nhà nước. Kết quả kiểm tra, tỉ lệ văn bản phát hiện có dấu hiệu vi phạm năm sau luôn giảm hơn năm trước. Chẳng hạn, năm 2009, có gần 120 văn bản được gởi đến Sở Tư pháp kiểm tra, trong đó phát hiện 15 văn bản có dấu hiệu vi phạm, chiếm 18%. Đến năm 2011, số lượng văn bản gửi kiểm tra là trên 150, số văn bản phát hiện vi phạm là 5, tỉ lệ 3,1%.
Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Tư pháp, công tác này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Một số văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với nội dung văn bản QPPL của cấp trên; ban hành trái thẩm quyền, vi phạm về trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản, thiếu tính khả thi, không có căn cứ pháp lý hoặc thiếu căn cứ pháp lý. Ngoài ra, còn có những trường hợp văn bản QPPL do HĐND, UBND ban hành không phù hợp về hình thức; ký ban hành văn bản sai thẩm quyền. Ví dụ, theo quy định thì văn bản QPPL của HĐND do chủ tịch HĐND ký chứng thực; văn bản QPPL của UBND thì do chủ tịch thay mặt UBND ký chứng thực, nhưng có một số trường hợp thì văn bản của HĐND do chủ tịch HĐND thay mặt HĐND ký, còn văn bản của UBND lại do chủ tịch UBND ký chứng thực.
Ngoài ra, một số hạn chế cũng thường gặp là hiệu lực thi hành văn bản; trình tự, thủ tục công bố văn bản sau khi được ban hành cũng chưa đảm bảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004.
Thiếu cán bộ chuyên trách
Theo quy định thì có 14 sở, ngành thuộc UBND tỉnh phải thành lập phòng pháp chế hoặc tổ chức pháp chế để giúp thủ trưởng cơ quan thực hiện công tác kiểm tra và xử lý văn bản QPPL do cơ quan ban hành. Tuy nhiên, hiện chưa đơn vị nào thành lập phòng hoặc tổ chức pháp chế, mà chỉ có cán bộ làm công tác kiêm nhiệm.
Còn tại Sở Tư pháp, công tác này được giao cho Phòng Văn bản pháp quy thực hiện, trong khi phòng chỉ có 5 công chức nhưng phải đảm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác là: xây dựng, kiểm tra văn bản QPPL; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; quản lý các tổ chức pháp chế các sở, ngành; quản lý xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 01/2009/TTLT-BNV-BTP của liên bộ: Tư pháp - Nội vụ thì Sở phải thành lập 2 phòng độc lập là Phòng Xây dựng văn bản QPPL, Phòng Kiểm tra văn bản và theo dõi tình hình thi hành pháp luật, với số lượng tối đa là 5 người/phòng.
Ông Lê Kim Chinh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp, phân tích: “Hiện đội ngũ làm công tác này còn thiếu và yếu, dẫn đến việc thẩm định các văn bản QPPL không đảm bảo. Hơn nữa, một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và phương pháp thực hiện việc tự kiểm tra văn bản QPPL và kiểm tra theo thẩm quyền; kinh phí, phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản, nhất là ở cấp huyện, xã chưa được quan tâm đúng mức”.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: “Hiện Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL giai đoạn 2014-2015; đề án thành lập phòng pháp chế và củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước (do địa phương quản lý); đề án thành lập phòng xây dựng văn bản QPPL, phòng kiểm tra văn bản và theo dõi tình hình thi hành pháp luật, phòng quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính thuộc Sở Tư pháp. Chúng tôi cũng tiếp tục tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế các sở, ban, ngành; cán bộ phòng tư pháp, cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã về công tác rà soát, kiểm tra các văn bản QPPL. Nhưng trên hết, vẫn là sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong việc thực hiện công tác này, bởi đây là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra văn bản QPPL”.
Theo thống kê của UBND tỉnh, trong 10 năm 2003-2013, tổng số văn bản đã kiểm tra là 14.108 nghị quyết, quyết định, chỉ thị, do HĐND, UBND các cấp ban hành. Trong đó phát hiện có 15 văn bản cấp tỉnh và 221 văn bản cấp huyện có dấu hiệu trái pháp luật theo nội dung quy định.
KIỀU ANH