Thủ tướng: Rút kinh nghiệm với sách giáo khoa, xử lý nghiêm nếu có vi phạm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu vấn đề cử tri nêu về sách giáo khoa, sẽ có công bố chính thức để rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm nếu vi phạm.
Vấn đề trên được Thủ tướng nêu trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng ngày 13.10, trước kỳ họp Quốc hội thứ 10 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 20.10.
Thủ tướng trả lời các vấn đề nóng mà cử tri Hải Phòng băn khoăn tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 13.10 - Ảnh: Chinhphu.vn
Nóng vấn đề sách giáo khoa, đại biểu hai quốc tịch
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đỗ Thế Hùng (nguyên giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng) bày tỏ băn khoăn về vấn đề sách giáo khoa lớp 1 hiện nay với nhiều bộ sách và có một số nội dung còn gây ra ý kiến trái chiều.
Cử tri Nguyễn Bỉnh Doãn (nguyên giám đốc Công an TP Hải Phòng) thì nêu vấn đề xử lý trường hợp đại biểu Quốc hội mang 2 quốc tịch. Đánh giá cao công tác phòng chống tham nhũng với tinh thần "không có vùng cấm, không có sự hạ cánh an toàn", song cử tri này cho rằng về việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện còn chậm, hiệu quả thấp.
Ông Hoàng Duy Đỉnh (nguyên giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng) nêu ra vấn đề nóng được dư luận quan tâm là việc "thổi giá" thiết bị y tế và đặt ra câu hỏi tại sao có nhiều quy trình, thủ tục, tham gia của nhiều cơ quan với nguyên tắc công khai nhưng vẫn để lọt lưới. Cử tri mong muốn Thủ tướng chỉ đạo thanh tra các dự án lớn trong lĩnh vực xã hội hóa đầu tư vào y tế, xử lý nghiêm.
Trao đổi lại với cử tri, Thủ tướng cho hay sách giáo khoa và sách tham khảo "đụng" đến từng nhà, từng gia đình nên cần phải tiết kiệm cho người dân. Sách tham khảo, sách giáo khoa phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, với trẻ em Việt Nam.
Khẳng định sẽ tiếp thu vấn đề này, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu vấn đề cử tri nêu về sách giáo khoa, sẽ có công bố chính thức để rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm nếu vi phạm.
Với công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "không có vùng cấm", xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, chặt chẽ và “chúng ta đã thực hiện tốt khâu này, việc này trong thời gian qua” cũng như nhấn mạnh vai trò của các đại biểu Quốc hội phải làm hết sức mình đóng góp xây dựng các dự án pháp luật, giải quyết các vấn đề lớn của đất nước.
Đối với lĩnh vực y tế, việc xã hội hóa ngành y tế là cần thiết nhưng phải công khai, minh bạch, sai phạm phải xử lý nghiêm. Vì thế, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo việc công khai hóa giá hải quan nhập khẩu thiết bị và những hình thức khác để giám sát giá thiết bị, không để vấn đề xã hội hóa bị lợi dụng để phục vụ tốt nhất quyền lợi của người bệnh.
Chống trì trệ, xuống cấp đạo đức của cán bộ
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đánh giá cao công tác phòng chống dịch Covid-19, song cũng bày tỏ băn khoăn về giải pháp để dịch không bùng phát trở lại, phát triển kinh tế phải đi liền tiến bộ, công bằng xã hội. Đặc biệt, tình trạng xuống cấp đạo đức trong một bộ phận trong xã hội; đáng chú ý, một bộ phận cán bộ trong một số cơ quan công quyền đặt ra yêu cầu chống trì trệ.
Thủ tướng cho rằng mặc dù đã qua 40 ngày cả nước không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, dịch bệnh kiểm soát tốt nhưng người dân vẫn cần thực hiện nghiêm phòng chống dịch. Tinh thần là không được chủ quan, thực hiện mục tiêu kép thúc đẩy tăng trưởng và chống dịch hiệu quả. Chính phủ sẽ mở cửa từng bước, có kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Về chống "virus trì trệ", Thủ tướng cho rằng đây là một "bệnh" trong đội ngũ công chức nên tinh thần gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cần được đặt ra. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải làm hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của người dân. Thủ tướng nhấn mạnh sẽ có kiểm tra, đôn đốc, có kỷ luật, khen thưởng để chống bệnh trì trệ này.
Theo NGỌC AN (TTO)