Ủy ban thường vụ Quốc hội: Bộ sách Cánh diều đang có những hạt sạn
Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, Bộ SGK Cánh diều hiện đang có những hạt sạn.
Tiếp tục phiên họp thứ 49 , sáng nay 14.10, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10 của Quốc hội; Các ý kiến thảo luận đã nhấn mạnh tới những kiến nghị về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và những bất cập trong nội dung chương trình sách giáo khoa lớp 1.
Bộ SGK Cánh diều
Cơ bản nhất trí với báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Ban Dân nguyện của Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các báo cáo đã bám sát thực tế, phản ánh được những vấn đề lớn trong kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 10 của Quốc hội. Đặc biệt là đánh giá của cử tri về sự chủ động, kịp thời trong chủ trương chống dịch của Đảng, và nhà nước, thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Báo cáo cũng tổng hợp được những bức xúc của cử tri về những vấn đề như giá sách giáo khoa tăng cao; nội dung chương trình sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 1 chưa hợp lý; về tình trạng ngộ độc thực phẩm còn diễn ra ở nhiều nơi; hậu quả mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên…
Thảo luận về các báo cáo, một số ý kiến đề nghị về vấn đề giá sách giáo khoa và nội dung, chương trình sách giáo khoa lớp 1 đang gây tranh cãi, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết, năm nay là năm đầu tiên triển khai nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình Sách giáo khoa. Việc triển khai có 3 nội dung, đó là chương trình sách giáo khoa, đội ngũ giảng dạy và cơ sở vật chất. Quá trình giám sát của Ủy ban Giáo dục,Thanh, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho thấy về cơ sở vật chất triển khai một số địa phương gặp khó khăn như việc chương trình dạy lớp 1 một ngày 2 buổi, một số địa phương không đáp ứng được. Về vấn đề sách giáo khoa năm vừa qua, Ủy ban đã giám sát việc triển khai từ khâu thẩm định chương trình và sách giáo khoa, chọn lựa và cuối cùng là triển khai giảng dạy.
Giám sát cho thấy, Bộ Giáo dục đào tạo đã ban hành các quy định, quy trình tương đối đầy đủ. Tuy nhiên việc triển khai quy trình đó còn nhiều khiếm khuyết. Hiện nay có 5 bộ sách lớp 1, nhưng có 1 bộ sách có nhiều hạt sạn là bộ Cánh diều. Theo ông Phan Thanh Bình, đáng tiếc đây là bộ sách do Tổng chủ biên chủ trì để soạn. Đứng trước vấn đề này, Chính phủ đã làm việc với Bộ Giáo dục, yêu cầu Hội đồng thẩm định phải làm việc lại và rà soát lại những nội dung này để báo cáo. Ủy ban Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã yêu cầu Bộ có báo cáo lại để Ủy ban nắm lại vấn đề này.
Ông Phan Thanh Bình cho biết, ngày mai Ủy ban sẽ có báo cáo chính thức với Thường vụ về nội dung này: “Có 5 bộ tất cả, quá trình thẩm định nổi lên là bộ sách Cánh diều, đang có những hạt sạn trong đó. Từ vấn đề là cách đặt ra các bài có phù hợp với yêu cầu của luật hay không. Ví dụ chúng tôi đang yêu cầu rà lại. Vì luật yêu cầu chương trình phải có tính dân tộc, nhân dân, khoa học và hiện đại. Thế thì cái dân tộc, nhân dân thể hiện thế nào, khoa học hiện đại thể hiện thế nào, chúng tôi đang phải rà lại vấn đề đó. Vấn đề thứ hai là ngôn từ văn phạm được viết như thế nào.”
Liên quan đến vấn đề biên soạn sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cử tri cho rằng việc biên tập sách giáo khoa phải chú ý cân nhắc ngôn từ để cho học sinh cả 3 miền có thể hiểu. Đặc biệt với những từ các miền dùng khác nhau như quẹo trái, quẹo phải với miền Nam và rẽ trái, rẽ phải với miền Bắc, cá lóc, cá quả, cái thìa, cái muỗng…
Bên cạnh đó, thảo luận về các nội dung khác, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng cần bổ sung kiến nghị của cử tri về nông nghiệp, nông dân và nông thôn về những vấn đề đặt ra với nông nghiệp đồng bằng sông Hồng:
“Liên quan đến đầu vào, thuốc trừ sâu, phân bón. Đặc biệt là chuột bây giờ phá vô cùng ghê gớm, nên sản xuất khó khăn, đầu vào cao lên. Theo tôi đánh giá, tỷ lệ về việc dân bỏ ruộng ngày càng tăng. Đây là việc cần xem xét lại. Bỏ ruộng xã thu về nhưng thu về không biết làm gì, xã quản lý ruộng bỏ không, giao không ai làm. Vì vậy cần phải có những chỉ đạo, quy hoạch thế nào để nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng phát triển tốt.”
Theo Nguyên Nhung/VOV1