Chuyện người “gác cổng” dịch bệnh
Tốt nghiệp bác sĩ y khoa, ông bảo mình cũng từng mong muốn được làm trong cơ sở điều trị, nhưng “cơ duyên” đưa ông đến với công việc y tế dự phòng, để rồi gắn bó và ngày càng tha thiết với nghề. Th.S Bùi ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lý giải cho câu chuyện 32 năm làm công tác “gác cổng” dịch bệnh của mình như vậy.
Có thể cứu hàng chục, hàng ngàn người
Ngay trong những ngày nghỉ tết Nguyên đán Canh Tý 2020, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó lan nhanh ra các tỉnh, thành của nước này lẫn các quốc gia khác trên thế giới.
Tiếp đó, tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu được Tổ chức Y tế thế giới ban bố, dịch Covid-19 cũng xâm nhập vào Việt Nam. Một cuộc chiến thật sự bắt đầu, mà ở đó, bác sĩ Bùi Ngọc Lân lặng lẽ “xắn tay áo” cùng những bóng áo trắng ngoài cộng đồng. Một cách gọn ghẽ, ông bảo làm dự phòng là “nuôi quân ba năm, dùng một giờ!”, không thể làm đơn lẻ mà mỗi một người là một mắt xích quan trọng.
Th.S Bùi Ngọc Lân (đứng) tập huấn về phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học cho các đơn vị thuộc ngành GD&ĐT tỉnh.
Có song hành cùng mới thấy hết sự cực nhọc của “nhạc trưởng” điều phối mạng lưới y tế cộng đồng, quán xuyến, đồng bộ các hoạt động, từ kiểm dịch y tế quốc tế, quản lý, sàng lọc và theo dõi tất cả trường hợp nhập cảnh qua Cảng hàng không Phù Cát và Cảng Quy Nhơn, ngăn dịch từ bên ngoài xâm nhập, cho đến hướng dẫn tổ chức giám sát, khai báo y tế, phân loại đối tượng tại các chốt kiểm dịch và chuyển cách ly phù hợp những người đến/về tỉnh. Tổ chức điều tra, truy vết, lấy mẫu bệnh phẩm tất cả trường hợp bệnh nghi ngờ, tiếp xúc ca bệnh, hay liên quan đến các ổ dịch; lập danh sách cách ly, xử lý ban đầu và lên phương án cách ly, khoanh vùng, xử lý dập dịch khi có ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Tổ chức chuyển mẫu bệnh phẩm đến cơ sở xét nghiệm…
“Khác với lĩnh vực điều trị, hoạt động y tế dự phòng mang tính cộng đồng, đó là xác định và giải quyết các vấn đề sức khỏe của cộng đồng bằng các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật về y tế kết hợp với biện pháp xã hội. Vai trò của y tế dự phòng rất lớn, bởi thành công của một hoạt động dự phòng không chỉ cứu sống một vài bệnh nhân, mà có thể cứu hàng chục, hàng ngàn người”, Th.S Lân chia sẻ.
Y tế cộng đồng rất cần bác sĩ giỏi!
Đến nay, Bình Định đã ngăn chặn thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào tỉnh; khống chế dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành, không để bùng phát diện rộng, như sốt xuất huyết, tay chân miệng...; giảm và tiến tới loại trừ sốt rét; thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; không còn ghi nhận ca bệnh bạch hầu, ho gà; giảm tỷ lệ mắc viêm gan B, viêm não Nhật Bản, lao. Tỉnh cũng quản lý và điều trị đạt mục tiêu các bệnh không lây nhiễm; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, giảm các tai biến sản khoa và giảm tử vong mẹ…
Đặc thù công tác y tế dự phòng diễn ra hầu hết ở cộng đồng, thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, không có giờ giấc nhất định, nhiều lúc phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt như nắng, nóng, bão, lũ, môi trường độc hại, áp lực công việc không hề nhỏ. “Nhưng sự quan tâm của xã hội đối với công tác y tế dự phòng chưa thật tương xứng, đôi lúc còn xem nhẹ. Rất ít bác sĩ y khoa sau khi tốt nghiệp lại muốn làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng. Nhiều người vẫn nghĩ bác sĩ là phải khám bệnh, chữa bệnh, nhưng khám bệnh và chữa bệnh cộng đồng cũng rất cần các bác sĩ giỏi!”, Th.S Lân tâm sự.
Tốt nghiệp ĐH Y Huế, sau đó tiếp tục được đào tạo chuyên khoa Dịch tễ học và cơ duyên đưa ông về với Nghĩa Bình, công tác tại Trạm Vệ sinh, phòng dịch tỉnh, sau nay là Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, và nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ông vẫn nhớ những ngày đầu đi cơ sở, công việc vất vả, đời sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng tình cảm và đầy trách nhiệm. Những kỷ niệm ấy khiến ông càng thêm tha thiết với nghề.
Năm 2006, chuyện “bệnh lạ” tại Bình Định được phát hiện từ xóm Quế Châu (xã Nhơn Tân, TX An Nhơn) và các xã Tây Giang, Bình Tường (huyện Tây Sơn), sau đó tiếp tục được phát hiện ở một số nơi, thậm chí rộ lên chuyện thoái hóa xương và bệnh ung thư của nhiều người dân ở “xóm hư răng”. Năm 2009, bác sĩ Lân bắt tay vào làm đề tài khoa học “Nghiên cứu thực trạng nhiễm fluor răng cộng đồng và đặc điểm phân bố hàm lượng fluor trong nguồn nước ngầm ở các huyện An Nhơn, Tây Sơn, Vân Canh, tỉnh Bình Định”, kết quả xác định tình trạng răng nhiễm fluor cộng đồng, do nguồn nước, tìm ra đặc điểm phân bố hàm lượng fluor trong nguồn nước ngầm và lập được bản đồ phân bố ô nhiễm fluor.
Th.S Bùi Ngọc Lân giám sát ổ bọ gậy trong dụng cụ chứa nước của người dân, phòng dịch sốt xuất huyết.
Năm 2016 - 2017, ông vừa làm chuyên môn, vừa dành thời gian đầu tư cho đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh sốt xuất huyết Dengue giai đoạn 2007 - 2016 tại tỉnh Bình Định”, kết quả tìm ra quy luật, chu kỳ dịch và các yếu tố ảnh hưởng đến dịch bệnh, cung cấp các bằng chứng giúp dự báo tình hình dịch bệnh.
Đó chỉ là 2 trong số 15 đề tài nghiên cứu khoa học (1 đề tài cấp Bộ, 2 cấp viện, 3 cấp tỉnh và 9 cấp ngành, cơ sở), mà Th.S Bùi Ngọc Lân chủ trì và đồng tham gia nghiên cứu để phục vụ công tác y tế cộng đồng.
32 năm làm nghề, ông vẫn luôn trăn trở: “Phòng bệnh mới là điều quan trọng nhất trong bảo vệ sức khỏe cho người dân. Nhưng để dự phòng bệnh tật có hiệu quả, cần có sự kết hợp lồng ghép các chiến lược can thiệp liên quan với nhiều yếu tố nguy cơ và bệnh tật, thay đổi hành vi, lối sống của cộng đồng. Điều đó đòi hỏi mỗi nhân viên y tế dự phòng vừa nắm vững chuyên môn, vừa hiểu biết về các vấn đề xã hội và phải làm thế nào để thúc đẩy chính cộng đồng tham gia giải quyết vấn đề sức khỏe của mình”.
MAI HOÀNG