Vĩnh Thạnh “hít” rau VietGAP
Nhờ tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu thị trường và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, việc canh tác theo quy trình VietGAP đang được ngành nông nghiệp quan tâm, các địa phương hưởng ứng. Ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, nông dân đã thực hiện thành công nhiều mô hình sản xuất rau, quả theo hướng VietGAP.
Nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững và hiệu quả, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình trồng rau theo quy trình VietGAP trên diện tích 0,5 ha tại khu phố Định Bình, thị trấn Vĩnh Thạnh, với các loại rau gồm cải xanh, dưa leo và khổ qua.
Ruộng dưa leo được sản xuất theo quy trình trồng rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Lê Quang Tình, Phó Trưởng Phòng Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), cho biết: “Càng ngày người tiêu dùng càng quan tâm đến yếu tố sạch, an toàn của nông sản. Tỉnh cũng đầu tư cho vấn đề này rất nhiều, hệ thống khuyến nông được yêu cầu tích cực chuyển giao KHKT, hướng dẫn nông dân sản xuất, nhất là theo tiêu chuẩn VietGAP, để giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế cao và bền vững”.
Mấy năm gần đây, nông dân ở khu phố Định Bình, thị trấn Vĩnh Thạnh và thôn Định Trường, xã Vĩnh Quang đã quen với quy trình sản xuất rau an toàn. Nhưng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP thì nay là lần đầu. Ông Nguyễn Văn Long, ở khu phố Định Bình, đang làm 2 sào dưa leo và khổ qua, kể: “Canh tác theo chuẩn VietGAP mình phải mở sổ theo dõi tình hình phát triển của rau, cách xử lý khi sâu bệnh phát sinh gây hại... Tất cả mọi thứ liên quan đến cây rau đều được theo dõi nghiêm ngặt, ghi chép bài bản theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông”.
Mô hình không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa lớn về mặt xã hội, khi vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Đây là hướng đi bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: “Trước khi tham gia mô hình, các hộ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, phương pháp thu hái và sơ chế rau trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ… Trong quá trình sản xuất, bà con phải làm đúng quy trình kỹ thuật đã đề ra từ khâu làm đất, tưới nước, bón phân… có sự giám sát của các cán bộ kỹ thuật”.
Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, ủ phân, cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép, nên bước đầu cũng gặp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, thấy được lợi ích từ việc sản xuất rau an toàn mang lại, nhiều hộ dân đã tự nguyện đăng ký tham gia trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Hơn nữa được tham gia vào các chương trình hỗ trợ sản xuất rau an toàn, sản xuất rau theo hướng hữu cơ là cơ hội lớn để người dân trong huyện Vĩnh Thạnh tiếp cận và hiểu sâu, đầy đủ hơn về quy trình sản xuất rau an toàn VietGAP, xa hơn là sản xuất rau hợp chuẩn hữu cơ organic.
XUÂN DŨNG