Ðịa chỉ cung cấp nhân lực chất lượng cao
Thời gian qua, Trường ÐH Quy Nhơn có nhiều đổi mới trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Ngoài thay đổi giáo trình, phương thức giảng dạy, ưu tiên phát triển ngành mới, Trường còn tăng cường hợp tác, liên kết với các DN để đào tạo, nhằm đáp ứng sát nhu cầu thị trường lao động.
Đa dạng hóa ngành nghề và phương thức đào tạo
Thực hiện đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, thời gian qua, Trường ĐH Quy Nhơn (QNU) liên tục mở nhiều ngành mới, trong đó có những chuyên ngành “hot” liên quan đến Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Internet kết nối vạn vật (IoT), Khoa học dữ liệu và Thống kê, Công nghệ nano, Công nghệ vật liệu mới và cảm biến, Công nghệ sinh học, Khoa học y sinh... có thể đáp ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin (CNTT) và nền kinh tế cả nước nói chung, với tỉnh Bình Định nói riêng. Hiện, QNU đã có 16 khoa, đào tạo 49 ngành học với quy mô gần 14.000 sinh viên mỗi năm. Trường còn đào tạo các chuyên ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, với mỗi năm hơn 1.000 học viên, nghiên cứu sinh.
Mục tiêu và phương thức đào tạo của QNU cũng có sự thay đổi lớn, chuyển từ truyền thụ kiến thức cho số đông sang thúc đẩy sáng tạo, phát triển năng lực cá nhân; đào tạo theo định hướng khởi nghiệp, đào tạo liên ngành, và đào tạo gắn với công nghệ 4.0. Đồng thời, Trường cũng thường xuyên thay đổi, cập nhật liên tục hệ thống giáo trình; vận dụng các phương pháp học gắn với công nghệ hiện đại như: Dạy học trực tuyến E-learning, phương pháp giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (Giáo dục STEM)... Ngoài ra, Trường còn thực hiện đào tạo tín chỉ, qua đó phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học.
Giờ thực hành của sinh viên khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, QNU.
Trên hành trình đổi mới, QNU chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Hiện, Trường có 572 giảng viên với gần 150 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; 427 thạc sĩ; 118 giảng viên đang là nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Trường vừa đưa vào hoạt động 2 phòng học thông minh; vận hành tổ hợp phòng thực hành lưới điện thông minh và IoT; đầu tư xây dựng phòng Lab Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Đây được xem là những trang thiết bị hiện đại nhất ở các trường đại học hiện nay.
Với những thành tích đạt được thời gian qua, QNU đã được Bộ GD&ĐT đưa vào nhóm 11 trường đào tạo sư phạm trọng điểm trên cả nước; xếp hạng thứ 18 trong Top 100 trường đại học cả nước do Webometrics bình chọn; và đạt chuẩn 4 sao của Hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng đại học Việt Nam và khu vực (UPM).
Hợp tác với doanh nghiệp, nâng chất lượng đầu ra
Gần đây, hoạt động hợp tác đào tạo toàn diện giữa QNU và các DN được đẩy mạnh. Hiện, QNU có mối liên hệ mật thiết với gần 40 DN lớn, tiêu biểu như: FPT Software, TMA Solution, Fijinet, VNG, KDDI, LogiGear, Game lot và nhiều công ty khác ở Công viên phần mềm Quang Trung TP Hồ Chí Minh. Dựa trên các thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn, DN trên, ngay từ năm học thứ hai, sinh viên của QNU đã được trải nghiệm thực tế tại DN. Sinh viên ra trường cũng có nhiều cơ hội việc làm; thậm chí nhiều DN đã tiếp cận, chủ động đặt hàng cho Trường khi sinh viên chưa tốt nghiệp.
Sinh viên khoa Kỹ thuật Công nghệ (QNU) thực hành tại phòng thực hành lưới điện thông minh và IoT mới được đầu tư trị giá 30 tỷ đồng.
Gần đây, QNU mở rộng Thỏa thuận hợp tác với Công ty TMA Solutions, gắn chặt với việc tuyển sinh, đào tạo, thực tập, tuyển dụng cho sinh viên khoa CNTT, khoa Kỹ thuật Công nghiệp, khoa Toán - Thống Kê, nhằm cung ứng nguồn nhân lực chính cho bộ phận Khoa học dữ liệu của TMA Innovation Park. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ cho chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu ứng dụng tại QNU; thúc đẩy chương trình hợp tác nghiên cứu và phát triển giảng viên của QNU với TMA Innovation Park trong thực hiện các dự án thực tế, trong đó ưu tiên các dự án đang triển khai tại tỉnh như đô thị thông minh...
Là một trong hai tiến sĩ khoa Toán - Thống kê của QNU đang tham gia lớp đào tạo thực tế tại Công ty TMA Solutions, TS Thái Trung Hiếu chia sẻ: “Từng được đào tạo tại Mỹ chuyên ngành Toán Tôpô, song những gì tôi thực chứng ở TMA Solutions rất thú vị. Không giống những bài giảng ở trường với dữ liệu hoàn chỉnh, ở đây, chúng tôi sử dụng thuật toán để sàng lọc thông tin xấu, ứng phó với mọi tình huống để tạo ra những dữ liệu hoàn chỉnh. Những khóa đào tạo thực tế tại đây hữu ích cho sinh viên trong việc phát triển kỹ năng mềm, định hướng hoạt động nghề nghiệp”.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng QNU: Nhờ hợp tác với các DN, chúng tôi đã tạo được chất lượng đầu ra cho “sản phẩm” đào tạo. Qua đó, cũng nắm bắt yêu cầu của DN, tạo cơ sở để đổi mới, điều chỉnh mục tiêu đào tạo, đáp ứng đòi hỏi đa dạng của thị trường lao động mới đang hình thành.
HỒNG HÀ