Cụ thể hóa, đưa Nghị quyết vào thực tiễn
Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XX đã cơ bản thống nhất với 7 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ðại hội, làm nền tảng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong giai đoạn 2020 - 2025. Sau đây là một số thông tin chính về 7 Chương trình hành động này.
Dịch vụ cảng biển và logistics là 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 5 năm tới. Ảnh: CQN
1. “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên”
● Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu
- Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên.
- Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh chiếm tỷ lệ trên 4% so với tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh.
- Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước, chất lượng ngày càng cao hơn; giảm tỷ lệ tổ chức đảng không hoàn thành nhiệm vụ dưới 0,3%.
- Phấn đấu đến cuối năm 2020 có 100% cấp ủy viên cơ sở đạt trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên.
● Nhiệm vụ, giải pháp
- Đổi mới và thực hiện có hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng.
- Kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.
- Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
- Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở.
- Coi trọng công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
2. “Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính”
● Mục tiêu chung
- Xây dựng nhanh nền hành chính nhà nước hiện đại, dựa trên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người dân, tổ chức, DN.
- Nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; giảm tối đa chi phí và thời gian tuân thủ đối với người dân, DN; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực cho phát triển KT-XH.
- Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển KT-XH và đời sống nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện để phát triển đồng bộ chính quyền số với kinh tế số, xã hội số...
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền và phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể nhân dân trong thực hiện cải cách hành chính.
- Tập trung hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng, ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư phát triển KT-XH.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa hành chính, xây dựng “chính quyền điện tử” phục vụ đổi mới phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước các cấp...
3. “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên cả 3 yếu tố cơ bản: Sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức. Đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, người lao động có khả năng tiếp thu nhanh các tiến bộ KHKT, có trình độ, tay nghề cao, khả năng ứng dụng vào đời sống gắn với nhu cầu giải quyết việc làm, nhu cầu của người sử dụng lao động.
- Thực hiện cơ cấu hợp lý nguồn nhân lực giữa các ngành, lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển KT-XH của tỉnh; mở rộng hội nhập và giao lưu với khu vực và quốc tế để nâng cao năng lực đào tạo và năng lực giải quyết việc làm.
- Phát triển KH&CN tạo nền tảng phát triển nhanh, bền vững, tăng cường khả năng ứng dụng tiến bộ KHKT, nâng cao tỷ lệ ứng dụng các đề tài, sáng kiến khoa học đã được công nhận.
- Đến năm 2025: Đào tạo 10 tiến sĩ, 650 thạc sĩ và tương đương với chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 66%; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80%; tỷ lệ ứng dụng các đề tài, sáng kiến khoa học đạt 80%; thu hút khoảng 5 dự án trong lĩnh vực đào tạo hoặc sử dụng nhân lực chất lượng cao.
● Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, công tác triển khai thực hiện của các cấp ủy, chính quyền về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng GD&ĐT.
- Đào tạo đội ngũ công nhân, lao động có tay nghề cao.
- Phát triển KH&CN tạo nền tảng phát triển nhanh, bền vững.
- Cơ chế, chính sách và tài chính để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
4. “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”
● Mục tiêu cụ thể
- Đóng góp trực tiếp của hoạt động du lịch vào GRDP tỉnh chiếm 10% và tổng đóng góp của hoạt động du lịch bao gồm đóng góp trực tiếp và đóng góp gián tiếp (lan tỏa) chiếm 20%.
- Lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 8 triệu lượt khách tham quan (trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách quốc tế), tốc độ tăng trưởng khách bình quân hằng năm đạt 14,2%/năm.
- Lao động trực tiếp phục vụ du lịch có tay nghề đạt 18.000 lao động; ngành du lịch cơ bản giải quyết đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng cũng như duy trì cơ cấu lao động hợp lý.
- Đảm bảo môi trường du lịch với 3 tốt (an ninh tốt, môi trường tốt và quan hệ cộng đồng tốt), 3 không (không “chặt chém”, không giành giật khách, không người ăn xin).
● Giải pháp chủ yếu
- Tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch.
- Phát triển thị trường khách du lịch.
- Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và bền vững, tạo thương hiệu cạnh tranh lâu dài.
- Đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
- Thực hiện chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch trọng tâm, trọng điểm theo thị trường khách du lịch.
- Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.
- Xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao.
- Phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
- Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.
- Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
- Trong ảnh: Khu du lịch Kỳ Co (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn). Ảnh: DŨNG NHÂN
5. “Phát triển KH&CN”
- Tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) bình quân cả nhiệm kỳ vào tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh đạt từ 38 - 42%.
- Tốc độ đổi mới công nghệ đạt từ 17 - 20%/năm.
- Hình thành mới ít nhất 10 DN KH&CN.
- Hỗ trợ thương mại hóa cho từ 5 - 10 sản phẩm sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
- Đưa vào vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh. Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho ít nhất 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh.
- Xây dựng, phát huy hiệu quả của các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
- Hoàn thiện Khu đô thị Khoa học Quy Hòa; tập trung xây dựng Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn.
- Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động.
- Triển khai đồng bộ các lĩnh vực nghiên cứu KH&CN.
- Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh.
- Hình thành và phát triển bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.
- Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN.
6. “Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề”
● Mục tiêu
- Phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP.
- Tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng trong GRDP bình quân hằng năm tăng 9,5 - 10,2%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP đến năm 2025 đạt 31,8%; trong đó, riêng công nghiệp đạt 26%.
- Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 (giá so sánh 2010) đạt 76.700 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân 9,2%/năm.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 6 tỷ USD.
● Giải pháp
- Giải pháp về quy hoạch, chính sách: Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2030; xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đến năm 2025 và những năm tiếp theo...
- Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp và làng nghề: Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp, làng nghề theo quy hoạch, nhất là dự án Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP - Bình Định...
Cùng với đó là các giải pháp về xúc tiến đầu tư, thị trường, KH&CN và nhân lực, bảo vệ môi trường, vốn.
7. “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới”
- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng hiện đại và văn minh.
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá so sánh năm 2010 bình quân hằng năm tăng từ 3,2 - 3,6%.
- Từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch của ngành theo từng lĩnh vực tích hợp vào quy hoạch của tỉnh nhằm thu hút, mời gọi các DN đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về nông nghiệp công nghệ cao.
- Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
MAI LÂM