Kinh tế Việt Nam tăng tốc trở lại trong quý III
Ngày 17.10, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10.2020, trong đó lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ và sâu rộng của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 có thể đạt từ 2,5% tới 3%.
Theo báo cáo, WB ghi nhận kinh tế Việt Nam đã phục hồi và tăng tốc trong quý III với tăng trưởng đạt 2,62% so với cùng kỳ năm 2019 - cao hơn mức tăng trưởng 0,39% (so với cùng kỳ năm trước) của quý II, dù dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch, khi từ đầu tháng 2 đến ngày 12-10, cả nước chỉ ghi nhận khoảng 1.100 ca nhiễm, trong đó có 35 ca tử vong. Cho đến nay, không có ca lây nhiễm cộng đồng nào trong hơn một tháng.
Cũng theo WB, tốc độ phục hồi kinh tế vững chắc của Việt Nam là nhờ mức tăng trưởng cao của chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 (tăng 2,4% so với tháng 8 và 4,8% so với tháng 9.2019). Tăng trưởng nguồn thu từ bán lẻ hàng hóa và dịch vụ hồi phục lên mức 2,2% so với tháng 8 và tăng 5,3% so với tháng 9.2019, với tỷ lệ lớn doanh thu đến từ hoạt động bán hàng từ xa qua đường bưu điện.
Ở cấp độ ngành, các ngành công nghiệp đã tăng 3,08% từ tháng 1 đến tháng 9, tiếp theo là nông nghiệp (1,84%) và dịch vụ (1,37%). Lạm phát giảm so với tháng 7 và tháng 8, ở mức 3,2% (so với cùng kỳ năm trước) cho tháng 9.
Khu vực đầu tư nước ngoài có khả năng phục hồi tốt do thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 16,9 tỷ USD trong 9 tháng của năm 2020, trong khi cam kết vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng từ 720 triệu USD trong tháng 8 lên khoảng 1,5 tỷ USD vào tháng 9. Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu được dự đoán giảm từ 30-40%.
Tuy nhiên, WB cũng chỉ ra sự sụt giảm lớn trong ngành dịch vụ, do ngành du lịch và vận tải bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng Covid-19. Số lượng khách du lịch nước ngoài giảm 70% trong 9 tháng của năm 2020 so với cùng kỳ năm trước nhưng đang trên đà tăng trở lại. Tín dụng của cả nền kinh tế tiếp tục tăng khiêm tốn, khoảng 10,2% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 9, gây áp lực ngày càng lớn lên những ngân hàng thương mại đang phải đối mặt với lợi nhuận giảm dần.
Bên cạnh đó, dù các điều kiện trên thị trường lao động đang dần trở lại bình thường kể từ khi hết giãn cách xã hội, nhưng tỷ lệ việc làm và tỷ lệ tham gia lao động đều tiếp tục giảm, gây tác động đến lao động khu vực thành thị.
WB khuyến nghị, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến việc giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính công và khu vực tài chính.
Theo HOÀNG LINH (HNM)