Quyết tâm mở đường vào Thủy điện Rào Trăng 3 tìm người còn mất tích
Sáng 17.10, tại tỉnh Thừa Thiên Huế trời mưa nhỏ, nhưng nước qua ngầm dâng cao khiến công việc tìm kiếm nạn nhân mất tích tiếp tục khó khăn.
Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác tìm kiếm 15 nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là mở đường từ khu vực sạt lở tại tiểu khu 67, lên thủy điện Rào Trăng 4.
Ông Lê Đình Thọ (áo xanh), Thứ trưởng Bộ GTVT và ông Nguyễn Vũ Quý, Ban QL Dự án đường Hồ Chí Minh tại công trường.
Từ đó, đi vào Thủy điện Rào Trăng 3 nằm cách Thủy điện Rào Trăng 4 khoảng 13km về phía thượng nguồn để đưa người, máy móc phương tiện vào hiện trường tìm kiếm người bị nạn. Hiện, lực lượng mở đường đã tiến vào gần khu vực Thủy điện Rào Trăng 4 nhưng việc mở đường đang rất khó khăn vì trời mưa lớn.
Sáng nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế trời mưa nhỏ, nhưng nước qua ngầm dâng cao khiến công việc tìm kiếm nạn nhân mất tích tiếp tục khó khăn. Tại khuôn viên tTrường Tiểu học và THCS xã Phong Xuân, huyện Phong Điền bên Tỉnh lộ 11B, nhiều phương tiện máy móc, xe ô tô của các đơn vị chức năng nằm chờ lệnh. Tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 11B lên Thủy điện Rào Trăng 3 đang được các lực lượng chức năng ứng trực chốt chặn, chỉ cho xe của các cơ quan, đơn vị cứu nạn mới được vào.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương đưa thiết bị, máy móc phục vụ thông tuyến nhanh chóng cho công tác cứu hộ.
Tại công trường, ông Nguyễn Vũ Quý, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT, đang thi công dự án cao tốc La Sơn- Cam Lộ cho biết, đơn vị đã huy động lực lượng từ các đơn vị thi công cao tốc Cam Lộ - LA Sơn lên đây rất nhiều. Tuy nhiên, vì là đường độc đạo nên không thể đưa cùng lúc nhiều máy móc vào hiện trường được mà chỉ đưa 3 đến 4 máy thay nhau hoạt động.
Hiện, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đã huy động 10 máy xúc, máy ủi cùng lực lượng công binh của Quân khu 4 thực hiện. Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm điều động, tập kết các rọ đá để làm ngầm.
“Phương tiện máy móc thì bên địa phương, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đều có phương tiện. Nhưng hiện tại trời đang mưa lắm nên anh em lái máy chưa làm việc được. Còn một mũi đã vào sát tới Rào Trăng 4 rồi. Còn từ Rào Trăng 4 vào đến Rào Trăng 3 phải 10 cây số nữa. Bây giờ phải tập trung dọn lượng đất đá sạt lở rất là lớn. Thành ra cũng chưa biết lúc nào thông đường được, có lẽ phải mất 4 đến 5 ngày. Nếu thời tiết bất lợi còn khó nữa”, ông Quý nói.
Hiện nay, trên đường 71 đi vào Thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra 10 điểm sạt lở núi, lực lượng chức năng đã khắc phục được 7 điểm, cách vị trí công nhân của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 mất tích khoảng 13 km. Tuy vậy, trên đường này có một ngầm tràn rất lớn, nước chảy xiết nên các đơn vị thi công đã tập trung xử lý việc qua lại ngầm này.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong điều kiện mưa to trở lại như hiện nay, Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị thi công phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người đi cứu nạn: "Tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để khơi thông tuyến đường lên Rào Trăng 3. Chúng ta đã tiếp cận chỉ còn cách Rào Trăng 4 khoảng 1 cây số. Tuy nhiên để đến được Rào Trăng 4 có một cái ngầm rất là lớn. Yêu cầu tất cả lực lượng của giao thông vận tải với sự hỗ trợ của quân đội, của Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh phải tập trung mọi nguồn lực để có thể xử lý giải pháp kỹ thuật qua ngầm tràn này nhằm tiếp cận Rào Trăng 4, sau đó lên Rào Trăng 3".
Theo Thanh Hà/VOV